• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi tìm câu hát lý của người Cơ Tu

Người Cơ Tu chỉ hát lý (hoặc gọi là nói lý) trong những sự kiện hệ trọng. Đây không chỉ là hình thức tự sự dân gian, mà còn là “nghệ thuật” so tài cao thấp giữa người nói – kẻ đáp.

Cuối tuần, những câu hát lý lại được ngân nga dưới mái nhà Gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). 

Trong nhà, một vòng tròn lớn gồm đôi chục học viên, lớn tuổi có, trung niên có, cùng ngồi quây quần, lắng nghe hai vị già làng Bùi Văn Siêng (Alăng Siêng, thôn Giàn Bí) và già làng Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang) đối đáp…

Màn hát lý đối đáp của hai già làng Bùi Văn Siêng và Đinh Hồng Khanh (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Câu lý di sản

Già làng Bùi Văn Siêng cất lời trước, giọng khàn nhưng ngân vang hào sảng. Sau đó, mất chừng mấy giây suy nghĩ, già làng Đinh Hồng Khanh liền đáp lời. Câu hát lý được phân thành từng đoạn mạch lạc, lúc khoan lúc nhặt,…khiến già Bùi Văn Siêng đôi khi phải cau mày.

Được cắt nghĩa, lớp trẻ mới biết đoạn hát nhắn nhủ: "Các con, các cháu phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống người Cơ tu mình. Mai này thế hệ các ông, các bác đây về với trời thì các con chính là những người kế thừa và bảo tồn bản sắc ấy".

Sau đó, các già làng nhắn nhủ người Cơ Tu phải chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao khối đoàn kết dân tộc, tuân thủ quy định luật pháp. "Tôi ví von Đảng, Nhà nước như mặt trời, khuyên con cháu luôn đi theo ánh sáng đó", già làng Đinh Hồng Khanh dẫn giải.

Đi tìm câu hát lý của người Cơ Tu- Ảnh 1.

Già làng Bùi Văn Siêng (Alăng Siêng, thôn Giàn Bí) và già làng Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang) đang "giữ lửa" cho nghệ thuật hát lý - nói lý ở Hòa Bắc, Đà Nẵng

Theo các già làng, người Cơ Tu rất trọng việc hát lý. Trong các dịp hệ trọng như hội hè, cưới hỏi, ma chay, lễ Tết...nếu không có hát lý thì coi như không thành. Thậm chí, các già làng còn hát lý với làng khác bởi nếu chỉ nói suông, thì đối phương sẽ nghĩ mình chưa được xem trọng.

Già làng Đinh Hồng Khanh nói thêm, trong hát lý, mỗi nội dung đều khác nhau, đối phương hát về vấn đề gì thì người đối sẽ phải hát theo vấn đề đó. "Ví dụ, nhà gái yêu cầu sính lễ 5 con lợn. Mình hát lý đáp lại, ẩn dụ là nhà chúng tôi còn nghèo, chỉ đủ lo 2 con lợn thôi, nhiều hơn thì không được", già Khanh kể.

Thậm chí, những xung đột, mâu thuẫn cũng được hòa giải bằng hát lý. Khi đấy, hát lý để chỉ ra cái sai của đối phương, để đôi bên cùng rút kinh nghiệm. Trong quá trình đáp lý, nếu một bên không thể đối tiếp thì gọi đó là "hết lý". Đối phương nếu bị "hết lý" thì sẽ phải tâm phục và giảng hòa theo ý của người đối. Chính vì thế mà đa số những xích mích đều được giải quyết nhẹ nhàng.

Hướng đến thành lập CLB hát lý

Dù hát lý đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015, nhưng nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một. Thực tế, tại thôn Tà Lang, hiện nay số người biết hát lý còn rất ít, hầu hết đều cao tuổi.

Đi tìm câu hát lý của người Cơ Tu- Ảnh 2.

Lớp học hát lý truyền thống do Phòng VH-TT huyện Hòa Vang tổ chức dưới mái nhà gươl được duy trì thường xuyên

Đã ngoài 60, già Trương Văn Mỹ cũng là bậc cao niên trong cộng đồng Cơ Tu. Thế nhưng, ở lớp học, già vẫn là cậu học trò nhỏ mới bén duyên với hát lý - nói lý. Già Mỹ được già Khanh ưng bụng nhất lớp vì đã học được 3 phần của thầy. Nghe những câu hát lý đối đáp của hai người thầy, thi thoảng, già Mỹ lại vỗ đùi tâm đắc vì cách đối đáp, ví von "ưng cái bụng".

"Quả thực hát lý cũng rất khó nên các cháu thanh niên không chịu học. Nhưng hát lý này cần nghe nhiều, biết nghe thì sẽ biết hát. Mới đầu học thì sẽ hát đoạn nhỏ, lâu dần mới hát đoạn dài được"- già làng Trương Văn Mỹ chia sẻ thêm.

Trong khi đó, trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Hin lại cho rằng cái khó nhất của hát lý - nói lý đó là không có mẫu số chung để học, bởi phụ thuộc rất nhiều vào độ linh hoạt, ứng khẩu của những người đối đáp. Lớp trẻ như anh, những người có thể hát lý - nói lý chỉ được đôi ba người, nhưng cũng mới như "trẻ bập bẹ biết nói".

"Độc đáo nhất của hát lý, nói lý Cơ Tu đó chính là lối nói ẩn dụ, dùng hình ảnh, sự vật này để ví von, ám chỉ một sự vật, hiện tượng khác", anh Đinh Văn Hin nói.

Đi tìm câu hát lý của người Cơ Tu- Ảnh 3.

Hát lý - nói lý cùng điệu nhảy tâng tung da dá là hai trong nhiều nét văn hóa đặc sản của người Cơ Tu

Trước nguy cơ hát lý bị mai một, thôn Tà Lang đã có sáng kiến lồng ghép nghệ thuật này sự kiện văn hóa, du lịch. Song song với đó, Lớp học hát lý truyền thống do Phòng VH-TT huyện Hòa Vang phối hợp với UBND xã Hòa Bắc tổ chức từ vẫn tiếp tục được "thổi lửa", duy trì bởi hai già làng Bùi Văn Siêng và Đinh Hồng Khanh. Hướng đến tương lai thành lập một CLB hát lý – nói lý của Tà Lang – Giàn Bí.

Về vấn đề này, ông Hồ Phú Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc lý giải nguyên do khó phổ cập hát lý – nói lý là vì đặc thù nghệ thuật truyền miệng. Bà con ứng khẩu đối đáp tùy hứng, phụ thuộc vào hoàn cảnh diễn ra và kinh nghiệm, tư duy và sự am hiểu của người hát. Vì thế mà loại hình này không được lưu lại thành bài nhạc cụ thể.

Trước mắt, địa phương vận động, hỗ trợ những già làng, người am hiểu về nói lý và hát lý ghi chép lại những câu hát và phiên âm sang tiếng Việt. Các bản ghi sẽ được sưu tầm, lưu trữ và truyền dạy. Di sản truyền miệng độc đáo này cùng những giá trị truyền thống khác của văn hóa Cơ tu đã, đang và sẽ được giữ gìn theo bước chân các thế hệ.


Tác giả: HẢI ĐỊNH - VĂN ANH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...