• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dâng sao giải hạn, cúng trục vong, cúng oan gia trái chủ là phản văn hóa

Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự.

Dâng sao giải hạn, cúng trục vong, cúng oan gia trái chủ là phản văn hóa

Hình ảnh vàng mã được hóa đốt tại Đền Tranh gây xôn xao mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Trên đây là một trong những nội dung tại Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.

Phải nói một cách thẳng thắn, những hoạt động cúng vong, dâng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ là mê tín dị đoan. Những hoạt động mê tín này đi ngược lại với tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân tộc.

Những cá nhân, tổ chức lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, khai thác các hoạt động mê tín với mục đích trục lợi là quá rõ ràng, được che giấu dưới nhiều hình thức, bày vẽ nhiều trò mang tính chất lừa đảo.

Nhiều người nghe theo những lời dụ dỗ, u mê ám chướng, không còn phân biệt đúng sai, không còn đúng giáo lý Phật giáo, bỏ tiền để giải oan, để giải hạn, chỉ "béo" những kẻ lừa đảo.

Báo chí, dư luận đã có nhiều thông tin phản ánh, bài điều tra phanh phui những trò lừa đảo theo cách trá hình tín ngưỡng tôn giáo, nhưng rất nhiều người vẫn chưa tỉnh ngộ.

Một nội dung quan trọng khác tại Công điện của Thủ tướng, đó là không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Đây là tồn tại lâu năm, ăn sâu vào đời sống xã hội rất khó thuyết phục để loại bỏ hoàn toàn, nhưng phải có biện pháp để hạn chế. Đốt vàng mã gây tốn kém rất lớn, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với gần 5.800 tỉ đồng. Nhiều gia đình còn khó khăn, phải chắt chiu từng đồng để sống, nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra vài triệu đồng để đốt vàng mã.

Ngoài chuyện lãng phí, đốt vàng mã còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là ở các chung cư, khu nhà trọ, khu dân cư chật chội, ngõ hẹp, xe cứu hỏa khó tiếp cận.

Nhiều năm nay, mỗi lần đến Tết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có văn bản yêu cầu các chùa tổ chức lễ cầu an đầu năm theo đúng chính pháp, không đốt vàng mã, tránh mê tín dị đoan, không dùng các thuật ngữ dễ gây hiểu lầm ý nghĩa cầu an của Phật giáo... Tuy nhiên, còn có nhiều nơi không chấp hành nghiêm, tình trạng đốt vàng mã, trục lợi từ mê tín dị đoan vẫn diễn ra công khai.

Xã hội ngày càng văn minh, sao mê tín dị đoan vẫn còn đất sống? Đó là vì còn có những cá nhân, tổ chức muốn tạo ra các hoạt động mê tín, ru ngủ những người mê muội để làm giàu.

Dư luận, mỗi người dân phải lên án các hoạt động mê tín, lừa đảo để tự bảo vệ mình và xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...