• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc nghi lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm tỉnh Kon Tum

Người Rơ Măm được biết đến với nhiều nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt truyền thống. Đặc biệt là hệ thống lễ hội xoay quanh vòng đời người và cây trồng. Trong đó, Lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ sản xuất lúa rẫy.

Đặc sắc nghi lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm tỉnh Kon Tum

Tiếng cồng, tiếng chiêng là điều không thể thiếu trong nghi thức lễ hội của người Rơ Măm. Ảnh: Lê Nguyên

Ngày hội đặc biệt của người Rơ Măm

Người Rơ Măm sinh sống tập trung chủ yếu tại xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) với 526 khẩu và 178 hộ. Họ được biết đến là một trong 5 dân tộc ít người nhất của cả nước thuộc diện cần được bảo tồn văn hóa đặc biệt. Trong đó, Lễ mở cửa kho lúa, cầu khấn và tạ ơn thần linh giúp dân làng có một vụ mùa bội thu là hoạt động đặc biệt nhất trong năm.

Trong không khí sôi động của “mùa ăn năm uống tháng”, già A Ren cho biết, hằng năm cứ vào tháng 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, người Rơ Măm bắt đầu tổ chức lễ mở cửa kho lúa. Trong quan niệm tín ngưỡng của bà con nơi đây, nếu đưa lúa ra ngoài kho mà không cúng thần lúa, thần kho thì sẽ bị thần trừng phạt. Vì vậy đây là điều bắt buộc trước khi gùi lúa về nhà.

Trong nghi lễ, ông bà chủ nhà chuẩn bị một cây nêu, một cành lá xanh tươi và các lễ vật, gồm trứng gà, trấu rượu ghè. Đồng thời, cài cành lá ở cửa kho và cầu thang ngụ ý mong cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu.

Cùng với tiếng chiêng Trum hòa với nhịp xoang uyển chuyển của các cô gái Rơ Măm, già làng bắt đầu bài khấn của mình: “Hôm nay gia đình làm lễ mở cửa kho lúa, chúng tôi đem trứng gà, rượu ghè làm lễ vật mời Yàng trời, Yàng sông cùng chung vui và chứng kiến cho gia đình được mang lúa về nhà, xin cho lúa trong kho đầy mãi, không bị chuột, bọ phá hỏng”.

Nét độc đáo của Lễ mở cửa kho lúa

Sau bài khấn, già A Ren báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn làng. Đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho mùa vụ sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh, thú rừng không phá hoại mùa màng.

Già A Ren bắt đầu ném gạo vào con vật hiến sinh (thường là con trâu) sau đó chia lại cho dân làng để làm tương tự, với mong muốn con vật hiến sinh đem đi hết xui xẻo và mang lại điều may mắn cho gia đình, dân làng.

Sau khi hoàn tất các phần nghi thức, chủ lễ sẽ làm phép với con dao và những thanh niên khỏe mạnh được tuyển chọn tiến hành hạ trâu để làm thịt cúng thần linh và chia cho dân làng chung vui trong lễ hội.

Trước khi nhập tiệc, già A Ren tiến hành rưới nước lên đầu của từng người trong dân làng. Nước này được các thiếu nữ gùi về từ giọt nước đầu làng. Theo quan niệm, ai được nhận những giọt nước này sẽ nhận nhiều điều may mắn và tốt đẹp. Người dân trong làng ai nấy cũng háo hức, phấn khởi để đón nhận. Cùng với nhịp trống, tiếng cồng, các cô gái nối tay nhau thành vòng xoang tạo ra không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Phảng phất là hương thơm nồng nàn của men rượu cần, các thành viên trong làng bắt đầu chúc nhau những điều tốt lành, chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất để giúp cả làng ấm no.

Lễ mở cửa kho lúa của người dân tộc Rơ Măm chính là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc thể hiện nét văn hóa riêng và độc đáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...