• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy du lịch văn hóa bản địa, Kon Tum hy vọng thu hút 1 triệu du khách

Sau dịch bệnh COVID-19, du lịch tỉnh Kon Tum phục hồi mạnh mẽ với nhiều loại hình khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc. Chính quyền tỉnh Kon Tum kỳ vọng sẽ thu hút đạt 1 triệu lượt khách trong năm 2023.

Phát huy du lịch văn hóa bản địa, Kon Tum hy vọng thu hút 1 triệu du khách

Một ngôi nhà rông truyền thống ở Kon Tum. Ảnh Thanh Tuấn

Ngày 22.5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, nhiều chương trình kích cầu đã thu hút du khách, các sản phẩm du lịch mới trên vùng đất phía bắc Tây Nguyên đang hấp dẫn du khách gần xa ghé thăm.

Về du lịch sinh thái, ngành du lịch phát triển loại hình du lịch tham quan, dã ngoại như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, điểm du lịch thác Pa Sỹ - Măng Đen, điểm du lịch Hồ Đăk Ke - Măng Đen...

Với du lịch cộng đồng, du khách đến Kon Tum sẽ được khám phá đời sống, văn hóa cư dân bản địa với cồng chiêng mang hơi thở đại ngàn, ẩm thực truyền thống, không gian thiên nhiên thoáng đãng.

Học sinh ở Kon Tum được các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Ảnh Thanh Tuấn

Học sinh ở Kon Tum được các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Ảnh Thanh Tuấn

Hiện toàn tỉnh Kon Tum có đến 12 điểm du lịch cộng đồng đang thu hút sự chú ý như: Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông), làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum), làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum), điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum), điểm du lịch hồ Đam Bri, thác Pa Sỹ, làng du lịch Kon Pring…

Du lịch trải nghiệm không thể thiếu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hiện các trường lớp trên địa bàn mở dạy ngoài giờ, ngoại khóa cồng chiêng, hát múa cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong các thôn làng, nhà rông truyền thống vẫn còn được giữ gìn, nhiều ngôi nhà hư hỏng được bổ sung kinh phí để sữa chữa. Các ngôi nhà rông mang biểu tượng truyền thống, sức mạnh, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng… còn sừng sững, uy nghiêm trong các ngôi làng, trở thành niềm tự hào của cư dân bản địa.

Kon Tum cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống, các loại hình biểu diễn văn hóa…

Văn hóa cộng đồng các dân tộc với những nét riêng biệt, độc đáo sẽ trở thành thương hiệu cho ngành du lịch của tỉnh Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết