Tân Trào in dấu chân Bác
Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời căn lán nhỏ giữa rừng Tân Trào (Tuyên Quang) về Thủ đô Hà Nội để đọc bản Tuyên ngôn độc lập, bằng sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược Bác Hồ như đã dự liệu được về lần tiếp theo trở lại mảnh đất này.
Căn cứ địa cách mạng Tân Trào
Đầu năm 1945, khi đang ở tại căn cứ Pác Bó (Cao Bằng) Bác Hồ đã chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm ngay một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo mới của cách mạng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chọn được mảnh đất Tân Trào (Tuyên Quang) như một nơi hội tụ đủ các yếu tố để trở thành “đại bản doanh của cách mạng” và báo cáo với Bác. Không thể chần chừ được nữa, sớm ngày 4.5.1945, Bác rời Pác Pó để về Tuyên Quang.
Trong suốt hơn 3 tháng sau đó, Bác và Trung ương Đảng sống trong sự đùm bọc, che chở của đồng bào nhân dân các dân tộc. Những quyết sách quan trọng cũng từ đây được truyền đi khắp cả nước.
Nhà nghiên cứu lịch sử Phù Ninh cho rằng, đó vừa là yêu cầu của cách mạng nhưng cũng thể hiện tầm nhìn thiên tài của Bác.
PGS.TS Phạm Ngọc Anh (nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) nhận định, Bác Hồ quyết định chọn Tân Trào và các khu vực lân cận làm căn cứ địa cách mạng chính là lòng dân, ở đây đồng bào các dân tộc luôn hướng về cách mạng với những phong trào đấu tranh từ rất sớm.
Mệnh lệnh của lịch sử
Trong những ngày tiền khởi nghĩa, Bác Hồ ở và làm việc trong căn lán Nà Nưa dưới tán rừng Tân Trào. Cuối tháng 7.1945, Bác bị ốm nặng. Tỉnh lại sau cơn mê, có lẽ nghĩ mình không thể qua khỏi, câu đầu tiên Bác dặn vị Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và chính câu nói đó đã đi vào lịch sử: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
PGS.TS Trần Ngọc Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho rằng, câu nói của Bác như một mệnh lệnh của lịch sử trong thời điểm thời cơ cách mạng đã đến rất gần.
“Cùng với tầm nhìn chiến lược và thực sự hiểu Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất nhanh chóng hiện thực hoá mệnh lệnh đó khi thảo ra các bức điện hỏa tốc triệu tập các đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Đảng và sau đó là Quốc dân Đại hội Tân trào để ra quyết định lịch sử quyết định Tổng khởi nghĩa” - PGS.TS Trần Ngọc Long cho biết thêm.
Ngày 19.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi vang dội tạo động lực, khí thế cho nhiều địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội để đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dặn lại các đồng chí trong Đảng: “Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no. Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…”. Đó cũng như một sự dự cảm cho lần thứ 2 Bác trở lại mảnh đất này. Ngày 2.4.1947, Bác Hồ về lại Tuyên Quang, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bác đã ở Tuyên Quang gần 6 năm với 47 địa điểm khác nhau. Từ đây nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng đã được ban hành để lãnh đạo toàn dân đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.