Hành trình xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nơi vùng cao biên giới
Hà Giang - Khi những hủ tục dần được xoá bỏ cũng là lúc ánh sáng của sự văn minh hiện hữu trên từng nóc nhà nơi vùng cao biên giới, quan trọng hơn cả là tư duy mới đã giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn.
Chị Sùng Thị Lía, thôn Khai Hoang (xã Xín Cái, Mèo Vạc) cho biết, trước đây tang ma, người chết không đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ cúng bái từ năm đến bảy ngày, gây lãng phí tiền bạc, mất vệ sinh môi trường.
Nhưng đó đã là chuyện của ngày trước, nhìn về chuồng nuôi gia súc mới xây cách xa nhà, chị Lía phấn khởi: "Bây giờ đa số người dân có suy nghĩ khác rồi, gia súc gia cầm không nuôi dưới gầm nhà nữa, không bị hôi rồi phòng tránh được dịch bệnh. Việc tang ma, cưới hỏi cũng gọn nhẹ rồi".
Ông Ly Xìa Sính - Trưởng thôn Khai Hoang cho biết, bà con đã có nhận thức mới, nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được xoá bỏ. Nếp sống văn minh đã được đưa vào quy ước của thôn, ai cũng thực hiện nghiêm túc.
"Những việc tang, việc cưới trước kia là gánh nặng của mỗi gia đình vì ăn uống linh đình cả tháng trời nhưng nay đổi mới, chỉ làm ngắn gọn, ít tốn kém rồi. Trẻ con, người già ốm là bến trạm y tế khám bệnh chứ không cúng nữa đâu" - ông Sính nói.
Vừa lo việc tang cho bố xong, Thào Mí Vàng ở xã Phiêng Luông (huyện Bắc Mê) đã bắt tay ngay vào công việc nuôi cá lồng ở trên hồ. Việc làm tang ngắn gọn chỉ trong hơn 1 ngày đã giúp gia đình vừa tiết kiệm được tiền bạc, lại có thời gian để làm việc khác.
Thào Mí Vàng tâm sự: "Đám tang được tổ chức gọn nhẹ, với đầy đủ các nghi thức truyền thống, dưới sự chứng kiến của người dân trong bản; được diễn ra trong 1,5 ngày. Việc ăn uống, mổ trâu mổ bò cũng hạn chế, con cái không phải đi vay mượn để làm đám".
Ông Đoàn Văn Dũng - Bí thư xã Phiêng Luông cho biết, việc vận động đội ngũ những người có uy tín trong thôn bản, người đứng đầu các dòng họ, các thầy cúng tham gia nói để dân hiểu, xoá bỏ hủ tục là rất quan trọng.
"Nhà nào có việc tang, việc cưới là cán bộ cơ sở phải nắm được từ đó nhanh chóng có mặt để thăm hỏi gia đình, động viên bàn và thống nhất với gia đình về các nội dung cụ thể để thực hiện, không theo các hủ tục nữa" - ông Dũng chia sẻ.
Tuy vậy, ông Dũng cũng thừa nhận, để loại bỏ hoàn toàn hủ tục ra khỏi đời sống của đồng bào là không dễ. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu, muốn giữ những phong tục cũ. Nhiều khi chính những người trưởng họ cũng chưa hiểu hết lợi ích của việc xoá hủ tục.
Để xoá bỏ hủ tục, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã có Nghị quyết 27, Ban thường vụ tỉnh ra chỉ thị 09. Nhưng khi những tập quán lạc hậu ăn sâu vào gốc rễ trong đời sống thường ngày để xoá bỏ trong ngắn hạn là điều không dễ.
Ở một số nơi vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi bị lợi dụng biến tướng (như tục kéo vợ của dân tộc Mông) đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Theo ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tồn tại lâu đời là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện, không nóng vội, ép buộc, lấy tuyên truyền, vận động làm chính, hướng tới thay đổi tư duy, nhận thức bà con để đạt hiệu quả lâu dài và bền vững.
"Công tác tuyên truyền cần linh hoạt, dễ hiểu, phù hợp với từng dân tộc, từng đối tượng nhằm giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu. Hướng người dân tham gia những hoạt động văn hóa lành mạnh. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải đi đầu và vận động người thân thực hiện trước" - ông Khánh cho hay.