• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay vì một ngành Du lịch phát triển bền vững

Đó chính là thông điệp mà Việt Nam muốn gửi đi tại Diễn đàn du lịch Mekong chính thức diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) ngày 12.10.

Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 diễn ra tại Hội An, Quảng Nam từ ngày 9- 14.10

Các siêu xu hướng phát triển và các động lực du lịch ở châu Á- Thái Bình Dương

Bài trình bày đề dẫn “Tương lai của ngành Du lịch - Tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến” của bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) sẽ xây dựng viễn cảnh tương lai về cách các siêu xu hướng phát triển và các động lực du lịch lan tỏa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, những vấn đề về khôi phục và phát triển tại khu vực Mekong sẽ được làm rõ đồng thời chỉ ra việc các bên liên quan trong ngành Du lịch nên thích ứng như thế nào cho tương lai.

Theo bà Liz Ortiguera, ngành Du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cuộc khủng hoảng này đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng phục hồi.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Wouter Schalken, Chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ phân tích, dự báo việc hồi sinh du lịch bền vững và những suy ngẫm về Mê Công. Trong đó, suy ngẫm về các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch. Chuyên gia sẽ nhấn mạnh cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và việc áp dụng trong toàn ngành các phương thức điều hành và đa dạng hóa có lợi cho thiên nhiên.

Điều hành phiên thảo luận 1 “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”, bà Catherine Germier-Hamel, Giám đốc điều hành Destination Mekong sẽ dẫn dắt nội dung tìm hiểu cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh mong muốn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến.

Các diễn giả Zeyar Myo Aung, Phó Tổng cục trưởng, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar; Thumanoon Parktoop, Giám đốc điều hành, Cục Quản lý các khu du lịch bền vững Thái Lan; Tarlapraporn Punyorin, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Xã hội Thái Lan; Sok Sophea, Quản lý Chương trình khu vực châu Á-TBD, Planeterra Foundation; Mika Cui, Đồng sáng lập, Tập đoàn JNE; Duangmala Phommavong, Đồng sáng lập, EXO Travel Lao; Phan Duy Quang, Quản lý Quan hệ Đối ngoại, CBT Travel sẽ tham gia phiên thảo luận này.

Dẫn dắt phiên thảo luận 2 “Các phương pháp mới mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, ông Steven Schipani, Chuyên gia cao cấp ngành Du lịch, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các diễn giả sẽ khám phá những cách thức mới để kết nối các bên liên quan đến du lịch Mekong với thị trường, tài chính, thiên nhiên và liên kết lẫn nhau để thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái Covid-19.

Phiên này có sự tham gia của các diễn giả: Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; Phonemaly Inthaphome, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; Dominic Mellor, Chuyên gia chính lĩnh vực đầu tư, Ngân hàng Phát triển châu Á; Inthy Deuansavanh, Nhà sáng lập, Green Discovery Laos; Phil Harman, Trưởng nhóm, Dự án Aus4Equality; Tean Ly, Giám đốc điều hành, Seeva Capital; Nguyễn Thúy Phương, Điều phối viên dự án Travelife, Plan International.

Phiên thảo luận 3 tập trung vào giải pháp công nghệ để phát triển du lịch “Mở ra cơ hội du lịch xanh” được điều hành bởi ông Daniel Gelfer, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ toàn cầu, Agoda. Các diễn giả sẽ khám phá góc nhìn rộng hơn về cách công nghệ có thể định hình tương lai của du lịch xanh, học tập các phương thức phát triển thành các mô hình kinh doanh bền vững hơn với môi trường và xã hội thông qua công nghệ số.

Phiên thảo luận có diễn giả: Thong Rathasak, Cục trưởng, Cục Phát triển Du lịch và Hợp tác quốc tế, Bộ Du lịch Campuchia; Nithee Seeprae, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT); Nigel Wong, Tổng Thư ký, Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA); Jason Lusk, Giám đốc, Công ty Clickable Impact; Mayur Patel, Giám đốc bán hàng khu vực, OAG; Willem Niemeijer, Giám đốc điều hành, Yaana Ventures.

Du lịch nội địa Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, tăng cường các biện pháp thu hút khách quốc tế

Chung tay đóng góp du lịch phát triển bền vững

Trả lời báo chí trước Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết: Mục tiêu của du lịch Việt Nam là thu hút 5 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2022, tăng từ mức gần như bằng 0 vào năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Trước đó, năm “bình thường” 2019 trước khi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt du khách nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường truyền thống gửi khách lớn nhất tới Việt Nam. Đối với thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch đặt mục tiêu phục vụ 60 triệu lượt năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay, lượng khách nội địa đã “về đích sớm”, vượt mục tiêu đề ra, đạt 86,8 triệu lượt khách. Dự báo du lịch nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2022.

Từ ngày 15.3 năm nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa trở lại. Việt Nam là 1 trong 4 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở cửa du lịch quốc tế không kèm điều kiện nhập cảnh. “Chúng tôi đẩy mạnh truyền thông thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với chiến dịch “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam 2022 - 2023 mang đến hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách ra thế giới, tập trung vào phát triển du lịch thông minh và bền vững, theo đó là du lịch xanh và có trách nhiệm”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết.

Diễn đàn Du lịch Mekong sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19 sẽ diễn ra tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) nằm trên bãi biển ngay phía nam Hội An, thành phố di sản đã được UNESCO công nhận. Sở dĩ Quảng Nam được lựa chọn để tổ chức Diễn đàn vì nơi này hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và khác biệt, nổi bật là 2 Di sản Văn hóa thế giới: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ngoài ra, Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và nghệ thuật “Bài chòi” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với du lịch biển, hệ thống sông ngòi, ẩm thực bản địa đặc sắc, Quảng Nam còn hội tụ các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử đa dạng với hàng trăm làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo, góp phần tạo nên những nét riêng về vùng đất và con người xứ Quảng chân tình và mến khách.

Bên cạnh đó, Quảng Nam là điểm đến du lịch xanh không thể bỏ qua cho du khách muốn trải nghiệm du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề với nhiều cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn như: khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, các làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), rừng cây Di sản Pơmu (Tây Giang), vùng Sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng rau Trà Quế (Hội An), làng du lịch sinh thái Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), làng du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây, làng Du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi (Điện Bàn).

Quảng Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cụm du lịch của Việt Nam. Quảng Nam cùng Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những cụm du lịch của Việt Nam ở Miền Trung. Năm Du lịch quốc gia 2022 được lựa chọn tổ chức tại Quảng Nam với chủ đề “Điểm đến xanh” là bởi tiềm năng đầy hứa hẹn của địa phương, một điểm đến thân thiện với du khách nhờ tài nguyên thiên nhiên, những con đường ven biển tuyệt vời. Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức bức tranh ẩm thực sôi động, nhiều điểm tham quan văn hóa và lịch sử đa chiều, đặc biệt là Phố cổ Hội An. Đối với những du khách đang tìm kiếm trải nghiệm du lịch bền vững thì đây là nơi không những có thể học hỏi, trải nghiệm mà còn nhận thức sâu sắc về thiên nhiên. Quảng Nam có các trang trại sản xuất, làng nghề thủ công, sông, núi và các điểm tham quan thiên nhiên hoang sơ hấp dẫn.

Việt Nam gửi đi thông điệp chung tay vì một ngành Du lịch phát triển bền vững

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với những điểm đến khác trong khu vực, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu là phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu du lịch quốc gia và các khu vực có tiềm năng du lịch. Trên tinh thần đó, chúng tôi đang thực hiện cách tiếp cận toàn diện để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, không chỉ tập trung vào các điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế như Hội An, Sapa, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… mà còn cả các điểm đến du lịch thứ cấp, đặc biệt là những điểm đến có tiềm năng kết nối với mạng lưới du lịch trong khu vực”.

Trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng- GMS, trong 20 năm qua, Việt Nam đã liên tục tham gia vào 4 dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch khu vực do ADB tài trợ, trong đó mới nhất là Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng giai đoạn 2. Các dự án này được thiết kế để cải thiện khả năng tiếp cận các điểm đến du lịch thứ cấp ở các tỉnh dọc theo các hành lang kinh tế GMS cũng như nâng cao điều kiện môi trường và cơ sở hạ tầng đô thị để phát triển du lịch.

“Việt Nam kỳ vọng vào kết quả của Diễn đàn Du lịch Mekong trên ba phương diện: Thứ nhất, tăng cường liên kết giữa các nhà lãnh đạo ngành du lịch Tiểu vùng nhằm mục tiêu phục hồi nhanh ngành du lịch một cách bền vững, tự cường và toàn diện, quảng bá xúc tiến du lịch Tiểu vùng thành một điểm đến chung. Thứ hai, giới thiệu thành phố Hội An được Giải thưởng World's Best Awards bình chọn là 1 trong 25 thành phố du lịch hàng đầu thế giới, giới thiệu Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du lịch xanh và bền vững, giàu giá trị văn hóa, đầy đủ các tiện ích của một điểm du lịch biển đẳng cấp hàng đầu. Thứ ba, Diễn đàn minh chứng cho ngành du lịch đang phục hồi, người bán và người mua trong Tiểu vùng đang quay trở lại sau một thời gian du lịch đóng băng, thúc đẩy phục hồi nhanh du lịch quốc tế và tạo cung cầu du lịch bền vững”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết thông điệp mà Việt Nam muốn gửi tới các nhà lãnh đạo du lịch và các đại biểu tham dự Diễn đàn là: “Hãy chung tay đóng góp du lịch phát triển bền vững. Cần tập trung vào các mục tiêu thiết thực để làm cho ngành Du lịch và lữ hành trở nên tốt hơn vì lợi ích của cộng đồng. Tôi hy vọng tất cả các đại biểu tham gia Diễn đàn đều đến trong trạng thái tích cực để lắng nghe, học hỏi và trở về với động lực “Tái thiết ngành du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch” – đó cũng là chủ đề của Diễn đàn mà chúng tôi đã chọn”.

THÚY HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết