“Định vị” thương hiệu du lịch Kon Tum
Đã có nhiều diễn đàn, hội nghị bàn về vấn đề thu hút đầu tư, liên kết du lịch quy mô lớn được tổ chức tại Kon Tum nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch của tỉnh này.
Trải nghiệm vườn Sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, Kon Tum cần xây dựng, “định vị” thương hiệu du lịch của riêng mình...
Giàu tiềm năng phát triển
Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý, mà còn có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa có giá trị lớn. Với điều kiện tự nhiên đặc trưng riêng của vùng Cao nguyên đã tạo cho tỉnh Kon Tum nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Trong đó, phải kể đến rừng thông Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum (huyện Tu Mơ Rông)…
Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, Kon Tum còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mặt khác, Kon Tum có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số, thể hiện ở các loại hình như: Văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc... Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, điêu khắc, dệt thổ cẩm, đan lát là điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương này… Nhờ những sự riêng biệt đó mà du khách muốn đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá.
Cần có sản phẩm đặc trưng
Tháng 4 vừa qua, Bộ VHTTDL, Tổng cục du lịch phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức thành công diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” với các hoạt động bên lề như: Lễ hội Khinh khí cầu, trình diễn dù lượn “Bay trên đại ngàn - Sa Thầy 2022”, hay Caravan Famtrip “Về miền Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Những sản phẩm du lịch này đã tạo ra điểm nhấn riêng biệt cho du lịch Kon Tum so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, Kon Tum cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa với vẻ đẹp bản địa, du lịch nông thôn với các sản phẩm OCOP, nổi bật là sâm Ngọc Linh… Tại các điểm du lịch, cần có đội ngũ quản lý du lịch chuyên nghiệp, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực. Công tác xúc tiến quảng bá cũng cần được đầu tư, qua đó góp phần thu hút du khách, đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên.
Tại diễn đàn này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã trình bày định hướng phát triển du lịch Kon Tum trong vùng du lịch Tây Nguyên liên kết với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đó, định hướng phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng như sản phẩm trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh, sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen, sản phẩm trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, sản phẩm tham quan di tích lịch sử, sản phẩm du lịch mạo hiểm… Đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết theo mục tiêu chuyên đề; đầu tư phát triển du lịch Kon Tum về hạ tầng, cơ sở dịch vụ, công trình văn hóa công cộng, nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số, bảo tồn tài nguyên…
Cuối tháng 9 vừa qua, trong chuyến làm việc với tỉnh Kon Tum về việc nghiên cứu, khảo sát phát triển du lịch của Viện Kinh tế Văn hóa (Hội Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam), các chuyên gia đã gợi mở cho Kon Tum những ý tưởng để xây dựng thương hiệu du lịch. Ông Hà Ngọc Chiến, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV cho hay: “Các sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh Kon Tum cần phát triển là trải nghiệm văn hóa Sâm Ngọc Linh, nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen, trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc Kon K’Tu, Kon Pring gắn với các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản vật địa phương. Cùng với đó, kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa lý; du lịch leo núi mạo hiểm; du lịch khám phá sinh thái vườn Quốc gia Chư Mom Ray”.
Theo GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sản phẩm du lịch phải đáp ứng nhu cầu của du khách, đa dạng, phong phú, sáng tạo. Qua đó, tạo ra sự trải nghiệm đa dạng, tạo sự độc đáo, khác lạ cho du khách. “Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh. Vấn đề phát triển thương mại đã triển khai tốt, nhưng phải làm thế nào để kết nối sản phẩm này với du lịch ở huyện Tu Mơ Rông. Vì vậy, cần phải kết hợp hoạt động du lịch với sản phẩm này giống như việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ Sâm Ngọc Linh của cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Đây chính là cơ sở để xây dựng, phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, việc phát triển du lịch gắn liền với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số được xem là yếu tố quan trọng, tạo ra sự thành công cho ngành du lịch tỉnh Kon Tum”.
NGỌC HÒA