Phát triển du lịch liên kết vùng
Để tăng tính hấp dẫn cho du lịch thủ đô, Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng, hình thành những dòng sản phẩm chuyên biệt.
Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, 9 tháng năm 2022, Hà Nội đón gần 13,87 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.400 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 40.000 tỉ đồng.
Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á
Riêng tháng 9-2022, lượng khách đến Hà Nội ước đạt 1,48 triệu lượt, gồm 184.000 lượt khách quốc tế và 1,3 triệu lượt khách nội địa. Hà Nội cũng vinh dự được công nhận là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022 của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới - World Travel Awards.
Hà Nội đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách
Được định vị với du khách trong và ngoài nước là điểm đến du lịch văn hóa - di sản, hiếm có địa phương nào lại hội tụ được nhiều thế mạnh phát triển du lịch như Hà Nội khi có cả du lịch văn hóa - di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp.
Với gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cũng là thành phố có nhiều di tích, di sản nhất cả nước. Với nhiều tiềm năng hấp dẫn ở cả khu vực nội thành và ngoại thành, hội tụ cả những giá trị văn hóa Đông và Tây, cổ truyền và hiện đại, Hà Nội là "điểm du lịch thành phố".
Ở nội thành, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống khám phá các di tích, di sản quen thuộc, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm những sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng như tour du lịch "Đêm thiêng liêng" tại nhà tù Hỏa Lò, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", đi bộ ngắm kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội… hay hoạt động của các không gian đi bộ, khu phố cổ và các làng nghề ven đô. Trong khi đó, ở ngoại thành, không chỉ có những khu nghỉ dưỡng cao cấp, khám phá du lịch tâm linh, nhiều địa phương cũng xây dựng những dòng sản phẩm chuyên biệt như trekking, leo núi ở Ba Vì, dù lượn ở Chương Mỹ...
Hình thành những dòng sản phẩm chuyên biệt
Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, công tác phát triển sản phẩm du lịch vẫn còn một số hạn chế. Các sản phẩm du lịch thiếu tính kết nối để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của khách. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến chưa thu hút, tạo sự chú ý của du khách. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế sẵn có của điểm đến, chưa thổi hồn được câu chuyện vào từng sản phẩm du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm đến nhiều nơi xuống cấp, chưa được đầu tư bài bản.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết để tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của thủ đô, thu hút nhiều hơn du khách đến Hà Nội, đặc biệt là khách quốc tế, đơn vị đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố hình thành các tuyến du lịch như: Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Các sản phẩm trọng tâm của liên kết vùng sẽ là du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản - văn hóa.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, cho biết sở đang làm việc với các địa phương để hình thành những dòng sản phẩm chuyên biệt, như du lịch mạo hiểm ở Ba Vì, Chương Mỹ hướng tới du khách trẻ; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; du lịch mua sắm ở Đông Anh; du lịch văn hóa đêm, du lịch ẩm thực ở khu phố cổ…
Sở Du lịch TP Hà Nội đưa ra một số nhóm giải pháp để làm phong phú hơn sản phẩm du lịch thủ đô như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đối với các điểm đến trên địa bàn thành phố. Tăng cường hợp tác các bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị lữ hành, các điểm đến và các cơ sở dịch vụ du lịch để triển khai xây dựng các tour, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, độc đáo.
Cùng với đó, ông Trần Trung Hiếu cho biết từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng mà ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch. Việc triển khai xây dựng các cơ sở lưu trú sẽ căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng khu vực. Khu vực Hoàn Kiếm sẽ bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng. Nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp, hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân để khai thác các công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp.
Khu vực Tây Hồ và Ba Đình sẽ tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn. Khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn tại các khu vực định hướng phát triển hệ thống công trình công cộng hỗn hợp, thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở… Khu vực Sơn Tây, Ba Vì sẽ tập trung phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ các khu nghỉ dưỡng đến khách sạn, homestay, phù hợp định hướng thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư; chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp.