• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định dời hơn 1.200 tàu cá tại biển Quy Nhơn để phát triển du lịch

Thời gian qua, du lịch đang là ngành trụ cột cũng như đóng tích cực để kinh tế Bình Định bứt phá nằm trong nhóm dẫn đầu trong khu vực miền Trung. Và để tạo điều kiện ngành công nghiệp không khói phát triển hơn nữa, Bình Định đã quyết di dời toàn bộ tàu cá hiện đang neo đậu, hoạt động tại khu vực biển TP Quy Nhơn về đầm Đề Gi (huyện Phù Cát) để phát triển du lịch.

Bình Định sẽ di dời hơn 1.000 tàu cá khu vực biển Quy Nhơn để phát triển du lịch

Hơn hết, Bình Định đang quyết tâm để hiện thực hóa xây dựng thành phố biển Quy Nhơn trở thành trung tâm du lịch. Việc di dời toàn bộ tàu cá hiện đang neo đậu, hoạt động tại khu vực biển TP Quy Nhơn sẽ mở ra không gian lớn để tỉnh này đầu tư hạ tầng, cơ sở để đưa du lịch trong những năm tới thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan về tiến độ đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn về đầm Đề Gi (huyện Phù Cát). Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tổng số tàu cá ở khu vực biển Quy Nhơn cần hỗ trợ di dời là hơn 1.200 tàu. 

Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 hoàn thành di dời toàn bộ tàu cá hiện đang neo đậu hoạt động tại khu vực biển TP Quy Nhơn về neo đậu khu vực đầm Đề Gi. Sau năm 2025, di dời cảng cá Quy Nhơn về cảng cá Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ); di dời toàn bộ tàu cá neo đậu ở các điểm khác thuộc vùng biển Quy Nhơn về neo đậu khu vực đầm Đề Gi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sự đồng thuận của ngư dân chưa cao. Bởi, khu neo đậu ở khu vực đầm Đề Gi xa, khó tìm bạn tàu. Trong khi đó, tàu cá ở Quy Nhơn chủ yếu tàu nhỏ, chiều dài dưới 12 mét (gần 800 chiếc).

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: Việc lấy ý kiến ban đầu của 871 chủ tàu cho thấy, có đến 93% chủ tàu không đồng ý di dời. Có nhiều vấn ngư dân chưa đồng thuận, trong đó, bà con lo lắng nhất là số lượng tàu cá nhỏ dưới 12m có gần 800 chiếc, thời gian ra khơi đánh bắt thủy sản chỉ 1-2 ngày, nếu phải di dời, hoạt động, mưu sinh rất khó khăn.

Xây dựng thành phố biển Quy Nhơn trở thành trung tâm du lịch

Trong khi đó, Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định nêu quan điểm, đây là đề án quy mô lớn, phức tạp nên tỉnh cân nhắc về việc di dời toàn bộ tàu thuyền mà ưu tiên làm ở một số điểm nóng. “Cụ thể, di dời trước 124 tàu cá ở cảng cá Quy Nhơn, 196 tàu ở khu âu thuyền Phan Chu Trinh, sau đó sẽ tính phương án thực hiện tiếp”, đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định chỉ ra.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Những năm gần đây du lịch Bình Định phát triển rất tốt, đặc biệt du lịch Quy Nhơn đã bứt phá mạnh mẽ, được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam, do vậy việc thực hiện di dời tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn về khu neo đậu khu vực đầm Đề Gi, tạo điều kiện để có không gian cho phát triển du lịch biển. “Tuy vậy, việc di dời phải đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo đời sống của người dân”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, Sở NN&PTNT tỉnh cần chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát các quy định, các chính sách bồi thường, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề, định hướng nghề nghiệp cho ngư dân… tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ngư dân, ngư dân nào muốn tiếp tục vươn khơi bám biển phải tạo điệu kiện nhưng không thể để lợi dụng chính sách.

PHAN HIẾU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...