Sức bật từ du khách Việt
Du lịch là một phần tất yếu của cuộc sống; được hình thành ngay từ khi con người có nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đến năm 1841, với sự ra đời của Công ty Thomas Cook & Son Travel Inc do Thomas Cook (1808-1892, người Anh) sáng lập, du lịch mới không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế tổng hợp và trọng điểm.
Du lịch Việt Nam sinh sau đẻ muộn và dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể lọt tốp 3 trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2019 - trước dịch COVID-19, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với hơn 18 triệu khách nước ngoài, hơn 85 triệu khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt 720.000 tỉ đồng. Lọt tốp 10 quốc gia tăng trưởng ấn tượng song xét về mặt hiệu quả tính trên dân số, du lịch Việt Nam còn xếp sau cả Campuchia và Lào.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn trật tự thế giới. Hoạt động du lịch đóng băng hơn 2 năm. Ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa, du lịch bung mạnh như lò xo bị nén. Dù chỉ xếp thứ 14 thế giới về khả năng phục hồi kinh tế hậu đại dịch nhưng du lịch nội địa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới với khoảng 79,8 triệu khách du lịch nội địa trong vòng nửa năm qua, vượt xa mục tiêu cả năm.
Du lịch nội địa tăng trưởng nóng, nhất là trong dịp hè năm nay, khiến nhiều người lo ngại lĩnh vực này "lên nhanh, xuống lẹ". Thế nhưng, dù qua mùa hè, lượng khách du lịch trong nước vẫn ở mức tương đối.
Rõ ràng, đại dịch đã làm thay đổi thói quen du lịch của người Việt, đặc biệt là du lịch nội địa. Du khách sử dụng dịch vụ cao hơn, chi tiêu tính trên đầu khách tăng gần gấp đôi so với trước. Việc chọn tour và đơn vị tổ chức cũng được khách lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Một xu hướng khác là du khách tự đi du lịch, tránh những ngày lễ lớn, cao điểm nên tình trạng quá tải, chặt chém được hạn chế đáng kể.
Đại dịch COVID-19 đã tái khẳng định nguyên lý: "Làm kinh tế nói chung và du lịch nói riêng phải bắt đầu từ nội địa rồi mới hướng ra nước ngoài. Đi bằng 2 chân hoặc bay bằng 2 cánh mới bền vững". Với riêng ngành du lịch, cần những thị trường phụ và phương án dự phòng.
Thực tế, nhiều nước hầu như không có du lịch nội địa. Tại Campuchia, người dân tự lái xe riêng, mang theo đồ ăn, nước uống để đi du lịch. Tại Lào, chúng ta không gặp những đoàn khách nội địa có khi đến gần trăm xe như ở Việt Nam... Du lịch nội địa của Việt Nam giai đoạn này là mơ ước của nhiều quốc gia.
Tuy vậy, du khách quốc tế vào Việt Nam chưa nhiều, chỉ 1,44 triệu lượt người kể từ sau khi mở cửa, giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm xem ra rất khó hoàn thành. Sắp vào mùa cao điểm đón khách nước ngoài nhưng nhiều cơ sở dịch vụ văn hóa, thủ công mỹ nghệ, mua sắm, giải trí... vẫn đóng cửa hoặc giải thể vì kiệt sức. Ngành du lịch cần sự tiếp sức của nhà nước, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, BHXH, nguồn vốn..., để có thể thu hút khách quốc tế.