Hiến kế để du lịch TP HCM có "đặc sản"
Ngành du lịch TP HCM tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng chủ lực và chất lượng, tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch quy mô, đầu tư cơ sở hạ tầng... để tạo "đặc sản" thu hút du khách.
Thường trực HĐND TP HCM chiều 6-10 đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp (DN) ngành du lịch trên địa bàn TP HCM năm 2022. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, nhận định ngành du lịch TP HCM cần có những sản phẩm đặc trưng, chủ lực để trở thành "đặc sản" thật sự hấp dẫn du khách.
Sớm đào tạo nguồn nhân lực thay thế
Một trong những vấn đề "nóng" được các DN kiến nghị là cần sớm có chính sách đào tạo nguồn nhân lực bổ sung trong bối cảnh du lịch hồi phục nhưng nhân sự chất lượng cao thiếu trầm trọng do dịch COVID-19.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, kể mới đây DN tiếp một đoàn công tác trong ngành du lịch Thái Lan qua làm việc nhưng tìm mãi không có hướng dẫn viên (HDV) tiếng Thái phù hợp. Sau đó, công ty phải liên hệ Tổng cục Du lịch nhờ hỗ trợ. Câu chuyện này cho thấy cần có chính sách khuyến khích, đào tạo bổ sung HDV, đặc biệt là HDV quốc tế.
"Dù các sở, ban, ngành và DN cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhưng phải làm sao gắn kết được sản phẩm ban ngày và ban đêm để gia tăng chi tiêu của du khách. Phát triển kinh tế đêm gắn với khai thác văn hóa, ẩm thực… đồng bộ để giữ chân du khách ở TP HCM lâu hơn. Ngay cả bài toán về giao thông, DN cũng mong giảm kẹt xe ở các cửa ngõ để chuyến đi của khách trọn vẹn, không bị "cháy" chương trình tour vì kẹt xe" - bà Phương Hoàng kiến nghị.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chia sẻ các bảo tàng công lập đang rất khó khăn vì trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát không có nguồn thu, nhiều người phải chuyển ngành để kiếm sống. Do đó, vấn đề nguồn nhân lực ngành du lịch TP HCM cần sớm có giải pháp để ứng phó.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, phân tích thành phố có lợi thế rất lớn về đường thủy, giao thông thủy để phát triển du lịch nội đô, du lịch đường sông nhưng đang có vấn đề không nhỏ là "có sông mà không có đò" vì thiếu chính sách khuyến khích, quy định quá khó nên DN không đầu tư được hay chưa được đầu tư đúng mức.
Cũng liên quan du lịch đường thủy, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư buýt đường sông), đề xuất chính sách liên quan đến du lịch cần tiệm cận quốc tế, như Bến Nhà Rồng có vị trí quá đẹp và thuận lợi, là điểm đến hấp dẫn du khách nhưng hiện chưa có bến thủy để đi vào.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cùng đoàn đại biểu đi khảo sát những điểm du lịch mới tại quận 11, TP HCM ngày 5-10
Đồng bộ chính sách để phát triển
Trả lời các vấn đề DN nêu ra tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết sở đã có nhiều văn bản kiến nghị để gỡ khó về chính sách hỗ trợ cho DN du lịch liên quan đến vốn tín dụng, lãi suất, chính sách về thuế, phát triển kinh tế đêm… Ngành du lịch TP HCM sẽ tiếp tục tham mưu để kiến nghị hoàn thiện hơn nữa chính sách đồng bộ cho DN và du lịch phát triển.
Về phát triển sản phẩm, du lịch TP HCM định hướng xây dựng các sản phẩm chủ lực trong chiến lược như du lịch đường thủy, du lịch không ngủ (kinh tế đêm), du lịch sự kiện… là những thế mạnh vốn có của thành phố. Các nguồn thu cho ngành du lịch sẽ được tập trung vào 3 loại hình chính gồm: du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch), du lịch ẩm thực và du lịch mua sắm gắn với tham quan các di tích lịch sử… Sở Du lịch TP HCM cũng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan và DN tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết để tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị, từng địa phương cần xác định sản phẩm đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ… "Nếu không phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, xứng tầm, du khách sẽ không trở lại. Việc quảng bá sản phẩm cũng rất quan trọng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để tăng cường quảng bá, xúc tiến. Riêng về hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch sớm tham mưu để UBND thành phố trình HĐND thông qua các chủ trương, chính sách phù hợp tạo điều kiện phát triển du lịch" - ông Dương Anh Đức nói.
Nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, khẳng định thành phố đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan một số nội dung về thuế, lãi suất cho vay, hỗ trợ DN lữ hành, điểm du lịch...
"Cần nhận thức việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành du lịch hay của một cơ quan nào. Do đó, để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, các giải pháp sắp tới nhằm phát triển du lịch thành phố, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược ở từng giai đoạn gắn với thực hiện đề án du lịch thông minh trong tổng thể đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, thống nhất thông điệp điểm đến TP HCM" - bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Lệ, ngành du lịch thành phố cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội - sự kiện, sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện...