Tự hào khi đón nhận "Mai Vàng tri ân"
Không quên những thế hệ đi trước đã cống hiến cho ngành văn hóa - nghệ thuật, chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á tiếp tục trao tặng cho 5 nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu.
Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM) trong 2 ngày 4 và 5-3, "Mai Vàng tri ân" sẽ trao tặng cho 3 NSND Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Vy, nhạc sĩ Tôn Thất Lập và TS Mai Mỹ Duyên - nhà nghiên cứu đờn ca tài tử (ĐCTT), văn hóa dân gian. Mỗi người được nhận 20 triệu đồng.
Còn sức là còn cống hiến
NSND Minh Vương đã đoạt giải Khôi Nguyên vọng cổ năm 1964 do các soạn giả sân khấu thời đó bầu chọn. Ông kết hợp cùng với NSND Lệ Thủy tạo thành cặp đào kép ăn ý qua nhiều vở cải lương nổi tiếng, cũng nhờ vậy được đặt danh xưng "Ông hoàng cải lương". Ngày 29-8-2019, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.
Năm 2007-2008, ông và NSND Lệ Thủy thành lập "Sân khấu Vàng" với mục đích dành doanh thu trao tặng nhà tình thương cho đồng bào nghèo, chương trình này nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM.
NSND Minh Vương. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
"Bản thân tôi có quá nhiều kỷ niệm với Báo Người Lao Động, đó là 2 năm liền đoạt Giải Mai Vàng 2008 - 2009, rồi đón nhận sự quan tâm của "Mai Vàng nhân ái", nay lại được nhận "Mai Vàng tri ân", đó là niềm vinh dự rất lớn. Tôi tâm nguyện nếu còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục cống hiến" - NSND Minh Vương bộc bạch.
NSND Trọng Hữu tên thật là Đặng Trọng Hữu, sinh năm 1952, tại Phụng Hiệp, Cần Thơ. Năm 10 tuổi, ông đã theo ông nội tham gia ĐCTT. Ông bắt đầu sự nghiệp ở Đoàn Văn công Cần Thơ, lần lượt là Đoàn Cải lương Tây Nam Bộ, Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Đoàn Văn công TP HCM… Khán giả nhớ đến ông qua nhiều vai diễn trong các vở tuồng cải lương ca ngợi cách mạng như: "Giọt máu oan cừu", "Cây sầu riêng trổ bông", "Mẹ của chúng con", "Máu thắm đồng Nọc Nạn"… Ông còn nổi tiếng với nhân vật Hàn Mạc Tử trong vở cải lương cùng tên của soạn giả Viễn Châu. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997 và NSND năm 2015.
NSND Trọng Hữu. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
NSND Trọng Hữu bày tỏ: "Tôi được biết từ đầu năm 2023, "Mai Vàng tri ân" của Báo Người Lao Động đã mở rộng quy mô và đối tượng hỗ trợ, không chỉ dành cho văn nghệ sĩ mà còn hướng tới các lĩnh vực khác, với những cá nhân uy tín, có đóng góp tích cực, hữu ích cho sự nghiệp chung của đất nước. Tôi rất vinh dự khi được nhận "Mai Vàng tri ân" và nguyện tích cực truyền nghề cho thế hệ sau".
NSND Thanh Vy gắn liền tên tuổi với nhân vật "Nàng Xê Đa", bà sinh năm 1947, được phong tặng NSND vào năm 2019. Bà là con của nhạc sĩ Trần Vân và diễn viên hài Vân Quý. Bà có chị là NSƯT Thanh Dậu, 3 người em trai là các nhạc sĩ: Trần Hồng, Văn Hai, Văn Môn. Cả gia đình đều cống hiến cho nghệ thuật.
NSND Thanh Vy. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Bà bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 11 tuổi, tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội, Khoa Ca kịch dân tộc. Năm 1963, bà tham gia Đoàn Cải lương Nam Bộ. Bà từng đi lưu diễn các nước Pháp, Bulgaria, Hungary… NSND Thanh Vy và NSƯT Lê Thiện là 2 nghệ sĩ được vinh dự vào Phủ Chủ tịch diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2-9-1956.
Bà đã diễn hàng trăm vai trên sân khấu cải lương, kịch nói, điện ảnh. Bà nổi tiếng với các vở: "Nàng Xê Đa", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Trầu cau"… "Thật xúc động khi được nhận phần thưởng của "Mai Vàng tri ân", tôi hứa sẽ tiếp tục đồng hành với nghệ thuật, trao truyền nghề cho các diễn viên trẻ" - NSND Thanh Vy bày tỏ.
Nêu cao gương sống đẹp
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn có các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, Nguyễn Xuân Tân. Ông sinh năm 1942 tại Huế, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến, ông hoạt động trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Các sáng tác của ông như: "Hát cho dân tôi nghe", "Dậy mà đi" (phổ thơ Tố Hữu), "Xuống đường" (viết chung với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)... đã được hát trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam. Sau đó, ông ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
TS Mai Mỹ Duyên. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhiều ca khúc của ông đã được đông đảo quần chúng yêu thích như "Tình ca mùa xuân", "Tình ca tuổi trẻ", "Trị An âm vang mùa xuân", "Mưa thì thầm", "Oẳn tù tì", "Cô bé dễ thương", "Tình yêu mãi mãi"... Ông trải lòng: "Tôi cảm ơn sự quan tâm của chương trình "Mai Vàng tri ân" mà Báo Người Lao Động đã dành cho tôi, tôi sẽ luôn khắc ghi trong lòng việc phải nêu cao gương sống đẹp, tinh thần học tập không ngừng trong lao động nghệ thuật cho cuộc sống, cho thế hệ trẻ".
Là người nghiên cứu văn hóa dân gian và ĐCTT Nam Bộ, đồng thời là trường hợp đầu tiên hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được trao "Mai Vàng tri ân", TS Mai Mỹ Duyên xúc động nói: "Món quà "Mai Vàng tri ân" rất ý nghĩa, giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục phụng sự thật tốt cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật".
TS Mai Mỹ Duyên sinh ra ở Cai Lậy, Tiền Giang, được kế thừa truyền thống nghệ thuật của gia đình. Thừa hưởng ngón đờn kìm của cha là nghệ nhân Ba Thế (còn gọi là Bầu Thế), từ năm 6 tuổi, bà đã ca được một số bản "Ngựa ô Nam", "Ngựa ô Bắc", "Lý giao duyên", 12 câu phụng hoàng... Cũng từ đó, bà thường xuyên góp mặt trong các buổi văn nghệ hay ở các chiếu ĐCTT.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Năm 1982, bà tốt nghiệp Đại học Văn hóa (ngành Văn hóa quần chúng). Năm 1997, bà bảo vệ luận văn thạc sĩ với đề tài "ĐCTT ở Tiền Giang". Năm 2007, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn hóa với đề tài "ĐCTT trong đời sống văn hóa của cư dân miền Tây Nam Bộ". Năm 1997, khi công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Tiền Giang, bà đã kết hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện và hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như: Lễ giỗ các họ người Việt ở Tiền Giang, hò cấy Gò Công, lễ hội Kỳ Yên, nghệ thuật ĐCTT, các món bánh dân gian Nam Bộ, kiểng cổ Tiền Giang, mắm còng lột Phú Thạnh...
Khán giả truyền hình trong và ngoài nước còn biết đến bà qua các chương trình giới thiệu về văn hóa Nam Bộ và quê hương Tiền Giang như: ĐCTT ở cù lao Thới Sơn, nghề làm mắm ở Gò Công… Bà có công trong việc tham gia nhóm điền dã khảo sát 21 tỉnh, thành có ĐCTT để lập hồ sơ quốc gia trình UNESCO và là người chấp bút báo cáo khoa học về ĐCTT ở TP HCM.