Nói tục, chửi thề không phải là chuyện nhỏ
Hiện tượng nói tục, chửi thề, sử dụng những tiếng lóng thiếu văn hóa trong giao tiếp đang hiện hữu khắp nơi, đặc biệt trong giới trẻ. Là người công tác trong ngành giáo dục, tôi đã nhiều phen giật mình khi nghe học trò chửi bậy, sử dụng các từ ngữ thô thiển trong giao tiếp. Khi tra hỏi nguyên nhân, hầu hết các em đều trả lời do bắt chước từ mạng xã hội, các clip từ TikTok.
Ai theo dõi mạng xã hội hẳn sẽ nhận ra hiện nay trên nền tảng các ứng dụng như Facebook, TikTok thường xuyên xuất hiện trào lưu văng tục, chửi thề, chửi bậy nhằm mục đích câu like, câu view. Bất kể mâu thuẫn nào trong đời sống cũng đều đem lên mạng chửi nhau như… hát. Hàng loạt những "biệt danh", như: "Thánh chửi", "Nữ hoàng chửi thề", "Hot girl chửi tục"… xuất hiện phổ biến khắp mạng xã hội. Đáng sợ là các clip chửi bậy, tục tĩu này lại thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn lượt theo dõi.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi một số người lợi dụng livestream bán hàng cố ý khoe thân, ăn mặc "ít vải" uốn éo, khoe mông, đùi, để lộ các bộ phận nhạy cảm, ăn nói tục tĩu… Dù các buổi livestream bán hàng phản cảm như thế nhưng lại thu hút hàng ngàn lượt xem và tương tác của người xem. Điều này phản ánh mặt trái của mạng xã hội, khi các hiện tượng tiêu cực không bị phê phán mà ngược lại còn được tung hô, hưởng ứng như một trào lưu.
Một học sinh lớp 6 của lớp tôi mới vừa nhận kỷ luật khiển trách trừ điểm hạnh kiểm do hành vi nói tục, chửi thề trong lớp. Khi trao đổi cùng tôi, em hồn nhiên chia sẻ bản thân em là "fan cứng" của một "thánh chửi" trên mạng xã hội. Từ việc theo dõi rất nhiều đoạn clip TikTok của anh này, em đã học theo cách nói chuyện kém chừng mực, sẵn sàng văng tục chửi thề bất cứ lúc nào. Ngoài ra, em còn theo dõi rất nhiều trang Fanpage có tên "Hội những người chửi tục tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện", "Hội những người chửi tục có văn hóa", "Nói tục chửi bậy thì đã sao"… Thậm chí, các em học sinh trong lớp tôi cũng thành lập một nhóm trên Facebook có tên "Mỏ hỗn miền Nam" để tha hồ chửi bậy, văng tục, nói xấu bạn bè và cả thầy cô. Đây chính là mầm mống dẫn đến bạo lực học đường.
Rõ ràng, sự phát triển của mạng xã hội đặt ra nhiều thách thức cho con người, đặc biệt là trẻ em bởi độ tuổi này dễ bị lôi kéo. Hậu quả của việc tiếp cận với nhiều đoạn clip nói tục, chửi thề kém văn minh là về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm và cách ứng xử.
Để thanh lọc môi trường mạng xã hội, ngoài việc cộng đồng chung tay để mỗi cá nhân trở thành người dùng mạng xã hội thông thái, các nhà quản lý cần nghiêm khắc, bắt buộc người sử dụng tuân thủ và thực thi nghiêm túc những quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.