• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu: Sức sáng tạo thanh xuân

Bên cạnh các bức chân dung về bạn bè văn nghệ sĩ, NSND Doãn Châu còn say mê vẽ về Hà Nội qua góc nhìn riêng biệt, hấp dẫn.

Họa sĩ, NSND Doãn Châu (bên trái, hàng ngồi) và con trai - họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng (người đầu tiên bên phải, hàng đứng) quây quần bên gia đình.

Họa sĩ, NSND Doãn Châu (bên trái, hàng ngồi) và con trai - họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng (người đầu tiên bên phải, hàng đứng) quây quần bên gia đình.

Tốt nghiệp lớp diễn viên khóa đầu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, thế nhưng NSND Doãn Châu chọn hội họa và trở thành một trong những họa sĩ thiết kế sân khấu hàng đầu Việt Nam.

Những năm gần đây, ông lại bay bổng, thăng hoa để vẽ cho riêng mình, trong đó bên cạnh các bức chân dung về bạn bè văn nghệ sĩ, ông còn say mê vẽ về Hà Nội qua góc nhìn riêng biệt, hấp dẫn.

Hổ phụ sinh hổ tử

Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu: Sức sáng tạo thanh xuân ảnh 1

Họa sĩ, NSND Doãn Châu (tên thật là Đỗ Doãn Châu, sinh năm 1938) nhiều năm từng giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 2007. Bên cạnh công việc của một nhà quản lý, một họa sĩ thiết kế sân khấu, ông còn tham gia diễn xuất và đã thủ một số vai diễn các vở kịch như: Háp trong “Đôi mắt”, ông già điên trong “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, tên lái buôn trong “Kẻ đốt đền”, Phó Chính ủy Mặt trận trong “Bài ca Điện Biên”…

Suốt nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, bên cạnh công tác quản lý (Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam), họa sĩ, NSND Doãn Châu đã thiết kế mỹ thuật sân khấu cho khoảng 400 vở diễn, trong đó nhiều vở đem lại cho công chúng những ấn tượng đặc biệt như: “Hà My của tôi”, “Đỉnh cao mơ ước”, “Sống mãi tuổi 17”, “Vua Lia”, “Rừng trúc”, “Tú Xương”, “Thủ lĩnh áo chàm”,... Mỗi vở diễn mà ông tham gia là một cách tìm tòi và sáng tạo, một sự phá cách và hấp dẫn mà khó lẫn với bất kỳ một họa sĩ đương thời nào.

Với vai trò “công trình sư”, ông đã sử dụng điêu khắc, hội họa và sắp đặt với nhiều chất liệu khác nhau để thể hiện đúng tư tưởng của tác phẩm sân khấu cũng như phong cách của từng đạo diễn.

Sở hữu “gia tài khủng” với 20 Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cùng hai lần được giành giải thưởng “Họa sĩ xuất sắc” vào những kỳ hội diễn (1995, 2000), vì vậy đã có thời kì, Doãn Châu được mệnh danh là “phù thủy” của ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu. Sáng tạo của ông đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của các vở diễn và làm nên một thời kì vàng son của ngành sân khấu nước nhà.

Không những vậy, NSND Doãn Châu còn được biết đến là một “hổ phụ sinh hổ tử”. Con trai ông - họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) những năm gần đây đang nổi lên như một “hiện tượng” trong ngành mà cha anh từng theo đuổi.

Ở tuổi ngũ tuần, anh đã thiết kế cho hơn 200 vở kịch ở các thể loại như: Tuồng, chèo, dân ca, kịch nói... Trong đó có các vở đã giành được Huy chương Vàng qua các kỳ hội diễn và liên hoan sân khấu như: “Đất làng” (Nhà hát Chèo Thái Bình), “Mê cung” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Mùa hạ cay đắng” (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), “Chuyến tàu tốc hành trong đêm” (Nhà hát Kịch Quân đội), “Hà Nội gió mùa” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Tai biến” (Nhà hát Kịch Việt Nam)… NSƯT Doãn Bằng cũng đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải “Họa sĩ xuất sắc” năm 2012, rồi “Họa sĩ thiết kế xuất sắc” qua những tác phẩm thiết kế mỹ thuật sân khấu trong Hội diễn Nghệ thuật toàn quân năm 2014.

Hai cha con Doãn Châu - Doãn Bằng đều được đào tạo về mỹ thuật sân khấu ở những quốc gia có nền hội họa sân khấu tiên tiến trên thế giới thời bấy giờ. Nếu như người cha được đi học ở Tiệp Khắc những năm 60 của thế kỉ trước thì người con lại được chọn đi học ở Mỹ (năm 2002) và học tại Đức (năm 2009).

Tuy nhiên, khác với cha mình, Doãn Bằng đã chọn thiết kế mỹ thuật sân khấu ngay từ khi học đại học. Có thể nói, trong giới hội họa, không nhiều gia đình có cả cha và con đều làm trong cùng một lĩnh vực mà tài danh như vậy.

 

Những chân dung cuộc đời

Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu: Sức sáng tạo thanh xuân ảnh 2

Họa sĩ, NSND Doãn Châu bên giá vẽ.

Sau khi rời xa ánh đèn sân khấu, NSND Doãn Châu cùng người bạn đời - NSƯT Bích Thu chuyển sang sinh sống tại khu đô thị Ecopak bên bờ sông Hồng lộng gió, thoáng mát.

Ở trong một không gian rộng rãi, thơ mộng như vậy lại khiến những cảm xúc và niềm đam mê vẽ trong ông trỗi dậy. Ông đã cầm bút vẽ không chỉ để thư giãn, giải trí mà còn thể hiện sự lạc quan, yêu đời với con đường nghệ thuật vốn đầy chông gai, nhọc nhằn đã qua.

Nhưng có điều khác biệt, ông dành thời gian để vẽ cho riêng mình với những cung bậc cảm xúc, sự tri ân với những người thân, những người bạn làm nghệ thuật tâm giao.

Những bức tranh ấy, được “trình làng” vào năm 2010 trong một cuộc triển lãm mang tên “Chân dung và tĩnh vật”. Đây không phải là triển lãm đầu tiên của ông (ông đã có 8 cuộc triển lãm), nhưng lại rất đặc biệt, không giống với 7 lần trước.

Ở đó, ông “phô” ra 31 bức tranh ghi lại tình cảm cá nhân riêng tư với những cá tính đậm nét, mà chỉ người thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc mới bắt được nét “thần” ở họ, để đưa lên thành nghệ thuật.

Kết thúc triển lãm, những bức chân dung về các nghệ sĩ “quen mặt” trong giới sân khấu, điện ảnh như: NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Lê Hùng, NSƯT Lê Chức… đã được bán hết. Tuy nhiên, có hai bức chân dung về NSƯT Văn Hiệp và NSƯT, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu nhiều người hỏi mua nhưng Doãn Châu nhất quyết giữ lại không bán với bất kể giá nào.

Đó là hai bức tranh ám ảnh, day dứt trong ông khi họ đều là những người có hoàn cảnh sống nghèo khó, suốt một đời long đong, lận đận với nghề, với đời. Và hai bức chân dung ấy lại càng trở nên quý giá hơn khi giờ đây, hai người nghệ sĩ tài hoa ấy đã trở thành những người thiên cổ.

Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu: Sức sáng tạo thanh xuân ảnh 3

Bức tranh chân dung NSƯT Văn Hiệp của họa sĩ, NSND Doãn Châu.

Theo họa sĩ Doãn Châu lý giải, dường như bức chân dung Văn Hiệp trở thành bùa hộ mệnh cho phòng tranh của ông bởi lần nào khách đến chơi cũng dừng chân rất lâu để ngắm chân dung “Trưởng thôn” đang phì phèo điếu thuốc cùng với con bài trên tay, nụ cười thân thiện, dễ gần.

Bức chân dung người nghệ sĩ “đóng đinh” với những vai diễn nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng ấy hiện lên qua khuôn mặt là cái thần thái, hóm hỉnh, xuề xòa, bất cần đời, một nét thiền dung dị nhưng lại rất sinh động.

Còn với bức chân dung “người đàn bà hát xẩm” Hà Thị Cầu, Doãn Châu đã cố gắng thể hiện một kiếp ca nương chân quê, kiếm từng đồng xu cứu đói, giải buồn cho người qua lại.

Bức họa đặc tả hình ảnh bà lão hát não nề cho phận mình nhưng phải giấu những giọt nước mắt, để cất lên tiếng hát, kể chuyện cuộc đời sao cho ngọt ngào, vui vẻ. Đây là bức chân dung tràn đầy xót xa của người họa sĩ cho phận người nghệ sĩ hát rong với cây nhị hồ cổ lỗ.

“Tôi phải vẽ đôi bàn tay của bà Cầu đến hàng chục lần mới ưng ý. Nó như bay, như múa nhưng lại rụt rè tủi phận gầy guộc, thô ráp. Bức chân dung sơn mài toát lên mầu bã trầu mà bà phải bám vào lấy cái hồn lảy lên từ ngọn từ thánh thót. Một vệt đen trên má tạo nên một vệt tối sẫm cho sự đớn đau tựa vết khắc cho thân phận tha hương”, NSND Doãn Châu trải lòng.

Viết sử về Hà Nội qua tranh vẽ

Bên cạnh đó, NSND Doãn Châu còn có niềm đam mê vẽ con người, phố phường, phong cảnh Hà Nội. Đó là những bức tranh đưa người xem đến với một không gian thấm đẫm chất sương khói, mờ ảo, linh thiêng của mảnh đất Kinh Kỳ ngàn năm vạn vật như: “Ô Quan Chưởng”, “Mảnh trời còn lại”, “Ký ức Hà Nội”, “Cây cơm nguội vàng”, “Đất và lửa”, “Cầu Long Biên”, “Phố ven sông”, “Lối mới ta về”…

Nhưng cũng có bức tranh, Doãn Châu thể hiện tâm trạng xót xa, đau đớn với những hệ lụy trên tiến trình đô thị hóa của thành phố. Nó đã dần mất đi cái đẹp, cái bản sắc riêng vốn có lâu đời.

Ông kể, có lần khi đi từ trung tâm thành phố về nhà thì bị tắc đường ở cầu Chương Dương. Dòng xe cộ cùng mọi người chật cứng, cứ nhích từng mét một.

Giữa cái bụi, cái nắng, tiếng inh ỏi của còi xe cùng sự hỗn loạn do ý thức của người tham gia giao thông khiến lòng ông nặng đầy tâm trạng. Khi về tới nhà, ông lao ngay vào phòng vẽ, căng toan với khổ lớn (180 x 120cm) và cứ thế “vung bút” vẽ trong nỗi ẩn ức, bức xúc.

Tất cả hình ảnh về một khối lớn xe cộ dầy đặc rồi ánh điện, bụi khói ô nhiễm làm trắng xóa, mịt mù, ô uế không gian đã được ông chuyển tải sinh động trong bức vẽ.

Sau đó có người nhìn thấy tranh bèn đòi mua bằng được bởi theo họ thì bức tranh ấy đã lưu giữ được thực tế chính xác về một Hà Nội ở thời đại mà chúng ta đang sống. Như vậy, có nghĩa là Doãn Châu đang là người chắp bút về những trang sử về Hà Nội qua những bức họa của mình.

Dù cuộc đời không trải đầy hoa hồng nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời. Theo ông, đau khổ làm cho ta lớn lên, mọi người nên nghĩ theo hướng tích cực. Cuộc sống còn nhiều nỗi buồn nhưng nếu chỉ nhìn vào nỗi buồn làm sao ta sống được.

Hằng ngày, xã hội có rất nhiều thông tin tiêu cực nhưng ta hãy nhìn sang một khía cạnh khác của cuộc sống, đó là hàng nghìn ngôi nhà mọc lên, nông thôn đang khá lên, một mặt nào đó làm mình vui.

Hãy nghĩ theo hướng tích cực như thế để sống vui và ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để ông cầm cọ vẽ lên những vẻ đẹp của cuộc đời, tôn vinh cuộc sống muôn màu.

Dẫu đã trải qua hơn 80 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề nhưng họa sĩ, NSND Doãn Châu vẫn chưa tìm được câu trả lời vì sao hội họa lại có sức hấp dẫn với ông đến vậy.

Chỉ biết rằng, vì nặng lòng đến thế mà giờ đây ông vẫn đam mê vẽ và “thổi” vào đó sự tươi mới, đặc sắc của thời đại. Có thể nói, sức sáng tạo trong ông vẫn còn rất thanh xuân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...