So sánh lợi ích của viên uống chống nắng và kem chống nắng truyền thống
Kem chống nắng dạng viên được lựa chọn như một giải pháp thay thế kem chống nắng truyền thống. Nhưng hiệu quả thực sự của sản phẩm này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Kem chống nắng dạng viên được lựa chọn như một giải pháp thay thế kem chống nắng truyền thống. Nhưng hiệu quả thực sự của sản phẩm này vẫn còn nhiều tranh cãi. Đồ họa: Cát Tiên
Theo Tiến sĩ KM Kapoor, Giám đốc Phòng khám Anticlock và Medispa Chandigarh (Ấn Độ), viên uống chống nắng chủ yếu chứa nicotinamide (vitamin B3) hoặc chiết xuất dương xỉ Polypodium leucotomos. Chúng chỉ nâng cao ngưỡng chịu đựng ánh nắng nhẹ của da, tương đương với SPF 3–5, mức rất thấp so với khuyến nghị tối thiểu SPF 30.
Dù vitamin B3 đã chứng minh khả năng hỗ trợ phòng ngừa ung thư da không phải u hắc tố, bằng chứng về các thành phần khác trong viên uống chống nắng vẫn còn hạn chế. Các sản phẩm này cũng không thể thay thế việc bảo vệ toàn diện khỏi cả tia UVA và UVB như kem chống nắng bôi ngoài.
Viên uống chống nắng chỉ nên là liệu pháp bổ trợ
Tiến sĩ Kalyani Bhola, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Alchemist (Ấn Độ), cho biết viên uống chống nắng có thể được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ, đặc biệt với bệnh nhân mắc các bệnh da nhạy cảm với ánh sáng như lupus hay bệnh sừng hóa ánh sáng.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc lạm dụng có thể gây rối loạn tiêu hóa và hiện chưa có dữ liệu thuyết phục về hiệu quả bảo vệ da ngoài tác dụng chống oxy hóa.
Cách chọn và sử dụng kem chống nắng hiệu quả
Các chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên chọn kem chống nắng phổ rộng, có khả năng bảo vệ chống lại cả UVA và UVB. Đối với làn da nhạy cảm, kem chống nắng khoáng chất là lựa chọn an toàn, trong khi các công thức chống nước thích hợp cho các hoạt động ngoài trời.
Hiện nay, kem chống nắng có nhiều dạng như xịt, thỏi, bột và thậm chí có màu để vừa bảo vệ da vừa làm đều màu da.
"Dù dạng nào, hãy đảm bảo thoa lại kem chống nắng SPF 30+ mỗi hai đến ba giờ, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội," Tiến sĩ Kapoor nhấn mạnh.
Ngoài ra, đội mũ rộng vành, đeo kính râm chống tia UV, mặc quần áo dài tay và hạn chế ra nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là những biện pháp bảo vệ cần thiết để duy trì làn da khỏe mạnh.