• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế: Ô nhiễm không khí đang làm gia tăng bệnh tật tại Việt Nam

Ô nhiễm không khí liên quan đến việc làm gia tăng gánh nặng bệnh tật; làm tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị...

Bộ Y tế: Ô nhiễm không khí đang làm gia tăng bệnh tật tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói về gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra. Ảnh: Trần Minh

Ngày 25.4 tại Hội thảo khoa học quốc tế về Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

"Ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời" - bà Hương khẳng định.

Thứ trưởng cũng chỉ ra những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, dựa trên các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam đã cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, dị ứng; các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu tim cục bộ, suy tim, một số bệnh về da, niêm mạc.

"Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến việc làm gia tăng gánh nặng bệnh tật; làm tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó góp phần tăng sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị"- bà Hương nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên vùng và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng.

"Với phương châm 'Phòng bệnh hơn chữa bệnh', tôi cho rằng, cần ưu tiên việc chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường trong đó có môi trường không khí thay vì chúng ta phải khắc phục, xử lý môi trường khi đã bị ô nhiễm. Đây không phải là trách nhiệm riêng của bộ ngành nào mà là nhiệm vụ chung của các bộ ngành, địa phương; các tổ chức chính trị xã hội; các cơ quan, đơn vị; các doanh nghiệp và mỗi người dân.", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp chia sẻ các hoạt động, các sáng kiến của mình để các bên có liên quan có thể cùng nhau phối hợp, hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường không khí cũng như giảm thiểu tác động đến sức khỏe của người dân Việt Nam.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự xói mòn của những thành tựu y tế đã dày công vun đắp trong nhiều thập kỷ.

WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết để mang lại bầu trời xanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...