• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một góc nhìn về cụm ngành điện ảnh tại Việt Nam

TPHCM đang là động lực chính cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam. Nơi đây đang có sự quy tụ với mật độ dày đặc các công ty sản xuất đơn ngành, cùng đóng góp vào cụm ngành điện ảnh Việt Nam. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc sử dụng mô hình lý thuyết kinh tế “cụm ngành của Michael Porter” để nhận diện và đánh giá sự phát triển của cụm ngành điện ảnh TPHCM.

Một góc nhìn về cụm ngành điện ảnh tại Việt Nam

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người đứng sau nhiều bộ phim như: “Tro tàn rực rỡ”, “Cha và con và ...”, “Mỹ nhân kế”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị có thể giải thích về mô hình lý thuyết kinh tế “cụm ngành của Michael Porter”. Tại sao mô hình này có thể nói lên sự phát triển của điện ảnh Việt Nam?

- Ngành điện ảnh Việt Nam đã có sự phát triển rất tích cực thời gian qua, thị trường có nhiều thành công về doanh thu cũng như các tác phẩm ở LHP quốc tế... Chúng ta cũng thấy TPHCM là nơi hoạt động sản xuất phát hành diễn ra sôi động nhất cả nước. Tôi muốn thử dùng mô hình kinh tế về cụm ngành của Michael Porter để nhận diện và đánh giá trình độ phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam từ một góc nhìn khác.

Khái niệm cụm ngành của Michael Porter có hàm ý về một lợi thế cạnh tranh nằm ở 2 trụ cột quan trọng: Một là sự tập trung về mặt địa lý và hai là tính liên kết của các ngành nghề phụ trợ liên quan, chúng vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau để phát triển. Cụm ngành hiện diện ở mọi quốc gia như cụm ngành điện ảnh ở Hollywood, cụm ngành rượu vang ở California (Mỹ), cụm ngành sản xuất chip ở Đài Loan (Trung Quốc) hay cụm ngành thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam)...

Mô hình của Michael Porter giúp nhận diện sự tồn tại của cụm ngành điện ảnh ở TPHCM từ góc độ kinh tế, qua đó xác định các nhân tố tác động từ vi mô đến vĩ mô, để từ đó có cách tác động đến từng nhân tố giúp cho trình độ cụm ngành phát triển.

Nhận diện từ hai trụ cột này cho thấy rõ ràng TPHCM đã có cụm ngành điện ảnh đang tồn tại và phát triển.

Chị đánh giá thế nào về chất lượng và sự đóng góp của các ngành phụ trợ cho ngành sản xuất phim ở Việt Nam?

- Có rất nhiều nhân tố đang tham gia đóng góp vào ngành sản xuất phim ở Việt Nam, bao gồm rất rộng từ chính sách phát triển của Nhà nước, vai trò của các hội - hiệp hội, các trường đào tạo, nguồn nhân lực đội ngũ sáng tạo và đội ngũ kỹ thuật, phục trang, thiết kế, xe cộ, vận tải, lưu trú, hậu kỳ, kỹ xảo... trong đó nhân tố quan trọng nhất vẫn là chính sách và đào tạo. So với cách đây hơn 10 năm, chúng ta thấy trình độ phát triển của cụm ngành điện ảnh đã tiến bộ rất nhiều. Hơn 10 năm trước nhà sản xuất luôn phải dựa vào dịch vụ của các công ty hậu kỳ Thái Lan để hoàn thiện giai đoạn chỉnh màu, thiết kế âm thanh, hòa âm, kỹ xảo, ra bản phim cuối. Nay toàn bộ công đoạn này đã có thể thực hiện 100% ở TPHCM với đội ngũ Việt Nam, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cả về kỹ thuật và nghệ thuật của đạo diễn và nhà sản xuất phục vụ cho thị trường. Sự tiến bộ này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất phim.

Khán giả trẻ cũng là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy cụm ngành phát triển, đây là thế mạnh mà thị trường TPHCM đang nắm giữ. Nhưng bên cạnh đó, có thể thấy một vài nhân tố như đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Để duy trì sự phát triển bền vững, đây là nhân tố mà Nhà nước và các trường tư nhân có thể bắt tay nhau để có kế hoạch đào tạo hiệu quả.

Cụm ngành điện ảnh ở TPHCM đang đối mặt với những thuận lợi và khó khăn gì trên con đường phát triển, thưa chị?

- Thuận lợi lớn với sự phát triển của cụm ngành điện ảnh ở TPHCM là sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp điện ảnh lớn, các ngành phụ trợ như hậu kỳ, trường quay, thiết bị cũng đều hiện diện ở đây, thậm chí cả luồng thông tin hợp tác giữa các doanh nghiệp. Điện ảnh cũng là một trong 12 ngành thuộc về công nghiệp văn hóa sáng tạo được thành phố quan tâm và có chính sách khuyến khích phát triển.

Tính hội tụ và sự đa dạng của các ngành phụ trợ là điểm mạnh tại TPHCM. Tuy nhiên, một trong những nhân tố đầu vào quan trọng khác là tài chính vẫn cần được cải thiện. Thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực trong Luật Điện ảnh như đơn giản hóa thủ tục duyệt kịch bản cho các đoàn phim nước ngoài muốn vào Việt Nam quay hay việc các thành phố lớn tổ chức liên hoan phim riêng của mình... Những tín hiệu đó đang từng bước giúp điện ảnh và đất nước con người Việt Nam được quan tâm hơn trong cộng đồng làm phim quốc tế...

Xin cảm ơn chị!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết