• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023: Thể hiện vai trò chủ động, tích cực

Tại hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa giai đoạn 2020-2023, diễn ra vào ngày 4.6 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều khởi sắc trong phát triển văn hóa. Nhiều chính sách phát triển văn hóa được Việt Nam xây dựng dựa trên tinh thần của Công ước.

Hội thảo do Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức.

Thể hiện vai trò chủ động, tích cực - ảnh 1

 Toàn cảnh hội thảo

Việt Nam dành sự quan tâm cho phát triển văn hóa

Trong giai đoạn 4 năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà sự quan tâm dành cho văn hóa của Việt Nam giảm đi. Đáng chú ý, đây còn là giai đoạn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa.

Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận chỉ đạo về 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa của đất nước. Chính sự đổi mới về chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là cơ sở để mang lại những chuyển biến tích cực về xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa và các lĩnh vực cụ thể liên quan. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030... Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa cho biết, tại các hội thảo quốc tế, khi nghe về con số tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm đầu tư cho văn hóa vào năm 2030, bạn bè quốc tế đã rất thán phục về sự quan tâm của Việt Nam cho lĩnh vực được xem là nền tảng tinh thần của xã hội này.

Vấn đề phát triển các ngành CNVH cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, với việc Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển các ngành CNVH Việt Nam vào tháng 12.2023. Cùng với đó ở cấp độ địa phương, nhiều chính sách quan tâm đến phát triển các ngành CNVH cũng được ban hành như tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh... Giai đoạn này cũng ghi nhận việc hai thành phố Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc, Hội An trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngoài ra, dùchịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa. Nhiều thỏa thuận hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và các nước đã được ký kết nhằm thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác về văn hóa. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết, thực hiện có hiệu quả nhiều hiệp định thương mại tự do, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành CNVH Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế, thúc đẩy dòng chảy thương mại các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, sáng tạo giữa các nước tham gia ký kết hiệp định.

Giai đoạn 2020-2023 cũng chứng kiến sự phát triển trong hoạt động văn hóa sáng tạo của các tổ chức văn hóa - nghệ thuật (VHNT) thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp ngoài công lập. Nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa sáng tạo do các tổ chức này thực hiện đã góp phần tạo nên sự đa dạng và sôi động trong đời sống VHNT của đất nước. Theo bà Hòa, Công ước 2005 là công cụ pháp lý quốc tế được trao cho các quốc gia chủ quyền ban hành các chính sách văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, ra đời Công ước và cũng là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước vào tháng 7.2007, ngay sau khi Công ước có hiệu lực. Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò chủ động, tích cực với hai lần trúng cử thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước và hiện đang đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.

Thể hiện vai trò chủ động, tích cực - ảnh 2

Phát triển các ngành CNVH Việt Nam đang là nhiệm vụ được tập trung thực hiện

Kỳ vọng khơi thông nguồn lực phát triển CNVH

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện 3 chu kỳ Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2008-2011, 2012- 2015 và 2016-2019. Theo tiến độ, Việt Nam sẽ phải nộp Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 cho UNESCO trong tháng 6.2024. Báo cáo định kỳ của các quốc gia là nguồn tư liệu quan trọng để UNESCO xây dựng Báo cáo toàn cầu về việc thực hiện Công ước 2005, cũng là cơ hội để các quốc gia chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong thúc đẩy các ngành CNVH.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Công ước 2005 cũng như phát triển CNVH, Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. PGS.TS ĐỗThị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định, Việt Nam đang thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn nhằm hỗtrợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong các ngành CNVH còn thiếu cả về chất và lượng. Nguyên nhân được chỉ ra là chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này chưa thực sự khuyến khích và thiếu sức hút.

Thêm nữa, Việt Nam đang chưa có Chỉ số thống kê về ngành CNVH trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế. PGS.TS ĐỗThị Thanh Thủy đề xuất trong 4 năm tới, Việt Nam cần ưu tiên nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm huy động, giải phóng nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH; nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong thực hiện triển khai thành công cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho các ngành CNVH từ các quốc gia thành viên UNESCO. Hơn nữa, cần lồng ghép các vấn đề về phát triển văn hóa và sáng tạo văn hóa trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hợp tác phát triển quốc tế.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả Việt Nam đánh giá, để phát triển CNVH, công nghiệp sáng tạo, vấn đề bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trên môi trường số cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, phổ biến tới cộng đồng và công chúng để họ dễdàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế với vai trò ngày càng được nâng cao của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, sáng tạo. 

 Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa. Nhiều thỏa thuận hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và các nước đã được ký kết nhằm thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác về văn hóa. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết, thực hiện có hiệu quả nhiều hiệp định thương mại tự do, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành CNVH Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế, thúc đẩy dòng chảy thương mại các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, sáng tạo giữa các nước tham gia ký kết hiệp định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...