• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để di sản phát huy giá trị

Đánh thức kho tàng di tích lịch sử - văn hóa, hay nói cách khác, làm cho di sản biết kể câu chuyện của mình nhằm thu hút du khách đang là đề tài được quan tâm tại Bình Định.

Để di sản phát huy giá trị

Khách tham quan tháp Bánh Ít nhân một hội thảo quốc tế tại Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Có tích

Tháng 8.2023, kết luận Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá: “Bình Định gì cũng có nhưng không có gì đặc sắc”.

Ông Dũng dẫn chứng bằng trải nghiệm cá nhân “cười ra nước mắt” khi đưa khách đến thăm di tích Tháp Đôi nổi tiếng ngay trung tâm TP Quy Nhơn hay thực trạng quản lý di sản, khai thác, kinh doanh du lịch trên vùng đất “thang mộc”, phát tích phong trào Tây Sơn một thời vang bóng.

Có nghĩa, ngay Bảo tàng Quang Trung, điểm đến hàng đầu “đất võ” với hơn 150.000 lượt khách/năm, trong thước tấc “cân, đo” của nhà lãnh đạo, cũng chưa đạt yêu cầu! Sự khắt khe đó, là “cú hích” tạo áp lực thay đổi.

Theo Giám đốc Bảo tàng Bình Định Bùi Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 147 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia thuộc nhiều loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Hệ thống di tích Bình Định có địa vị riêng và sức hấp dẫn không thể thay thế. Lấy ví dụ kho tàng tháp cổ: Mảnh đất từng là kinh đô Vương quốc Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV hiện sở hữu 8 cụm, 14 tháp.

“Tháp Chăm Bình Định số lượng nhiều, loại hình đa dạng, quy mô hoành tráng, mang phong cách nghệ thuật độc đáo, rực rỡ, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước định danh qua khái niệm phong cách Bình Định” - ông Tĩnh nói.

Bình Định là nơi sinh ra hoặc nuôi dưỡng những anh hùng, danh nhân văn hóa lừng danh của đất nước. Bên cạnh Tây Sơn Tam Kiệt, có thể kể đến Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa, Đào Tấn, Lê Đại Cang, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan. Mảnh đất của An Lão, Đèo Nhong - Dương Liễu, Thuận Ninh, Đồi 10… trong chiến tranh, còn được thiên nhiên ưu đãi với 130km bờ biển kỳ thú, những thắng cảnh Gềnh Ráng, Thị Nại, Phương Mai, Vĩnh Hội, Eo Gió, Hải Giang, Quy Hòa, Tân Phụng... say đắm lòng người.

Nhưng ít “dịch ra tuồng”

Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh thông tin: Từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút gần 3,7 triệu lượt khách, tạo nguồn thu gần 9.000 tỉ đồng. Ông Thanh khẳng định: “Du lịch đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

So với du lịch lễ hội, biển - đảo, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), thì dòng du khách đặt chân lên các tour, tuyến tìm về quá khứ vẫn chưa như kỳ vọng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Kim Chung nhìn nhận: “Văn hóa là một trong những thế mạnh của du lịch Bình Định, song chúng ta chưa có bước đột phá để tạo dựng thương hiệu thực sự hấp dẫn”.

Thực ra, đã có nỗ lực ban đầu. Tại các cụm Tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện, cơ quan quản lý từng bước xây dựng nội dung, tái hiện thân phận lịch sử di tích. Tận dụng ưu thế công nghệ, hồ sơ thuyết minh, văn bản, clip hình ảnh được gắn mã QR code hỗ trợ.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, khách tham quan có thể quét mã đọc, xem và nghe giới thiệu khái quát về Vương quốc Champa và tháp Chăm Bình Định. Bảo tàng Quang Trung còn làm nhiều hơn khi hướng đến mô hình hóa không gian trưng bày điện tử bằng công nghệ tương tác 3D song song với việc tăng cường bố trí, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm đã trùng tu, tôn tạo.

Với mảng di tích nằm sâu trong lòng cộng đồng dân tộc thiểu số Bana, Chăm, Hre hay gắn với sinh hoạt văn hoá cư dân miền biển, công tác sưu tầm, nghiên cứu, tái hiện các sự tích, truyền thuyết, giai thoại… cũng đánh dấu thành tựu nhất định. Nhiều sản phẩm, cách thức tiếp cận mới ra đời và được khuyến khích thúc đẩy như tổ chức biểu diễn nghệ thuật, hình thành danh mục hàng lưu niệm, phục dựng di tích, xây dựng thực cảnh...

Những ngày cuối tháng 5, tỉnh Bình Định liên tục tổ chức 2 hội thảo liên quan chủ đề nghiên cứu, khai thác các câu chuyện lịch sử phục vụ phát triển du lịch. Chuỗi sự kiện được hưởng ứng bởi nhiều chuyên gia nghiên cứu có uy tín. Bài học thâu nhận không ít, trong đó có cả chia sẻ từ những đồng nghiệp đi trước như TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Có vận dụng được hay không, câu hỏi đang đặt vào khả năng thích ứng và sự năng động của những người trong cuộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết