• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái dựng những vở diễn kinh điển, kỳ vọng và áp lực nhân đôi

Hàng loạt các sân khấu kịch phía Nam dựng lại các vở diễn kinh điển để mang lại làn gió mới cho khán giả yêu thích kịch nói thưởng thức.

Tái dựng những vở diễn kinh điển, kỳ vọng và áp lực nhân đôi

Vở diễn “Án mạng đêm không trăng”. Ảnh: Sân khấu kịch Trương Hùng Minh cung cấp

Lần lượt làm mới các vở diễn

Năm 1999, vở “Tiếng chim vườn Ngọc Lan” đã tạo dấu ấn đột phá cho sân khấu kịch phía Nam. Sau 25 năm, phiên bản mới được làm lại với dàn diễn viên hoàn toàn mới.

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Nguyệt làm lại vở “Tiếng chim vườn Ngọc Lan” tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (hay còn gọi là sân khấu “5B”). Vở diễn được đổi tên thành “Tiếng chim vườn ngọc”. Với phiên bản mới các diễn viên gồm: Công Danh (thay thế nhân vật thị trưởng của NSND Việt Anh), NSƯT Võ Minh Lâm (vai Hoàng Vũ - đổi tên nhân vật Lữ Đạo Kinh của NSƯT Thành Lộc), Quách Ngọc Tuyên (vai Trần Hùng - thay thế tên nhân vật Thao Hồng của nghệ sĩ Quốc Thảo), Lê Chi Na (vai Ngọc Lan, thay thế NSND Hồng Vân), Trung Dân (vai ông lão, cha của Trần Hùng, thay thế vai diễn của cố NSND Diệp Lang)...

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, bản thân hài lòng với dàn diễn viên hiện nay. Chị nói thêm, việc làm mới các vở diễn kinh điển một phần giúp khán giả hoài niệm về một thời kịch vàng son cũng như những thế hệ khán giả trẻ chưa có dịp thưởng thức có thể xem lại vở diễn.

Khi vở diễn được công diễn vừa qua ít nhiều tạo được sự chú ý. Trong đó, Võ Minh Lâm được khen ngợi hóa thân tốt vào nhân vật Hoàng Vũ.

Sau 16 năm, sân khấu Kịch Hồng Vân đưa vở kịch kinh dị - hài “Quả tim máu” (kịch bản, đạo diễn: Thái Hòa) trở lại với dàn diễn viên mới, gồm: NSND Trịnh Kim Chi, Đào Vân Anh, Tuấn Dũng, Lê Lộc, Bùi Công Danh, Đinh Mạnh Phúc…

“Quả tim máu” phiên bản 2024 được NSND Hồng Vân trau chuốt trên kinh nghiệm từ những phiên bản cũ để đem đến cho khán giả một câu chuyện vừa hài vừa sợ. Bên cạnh những thủ pháp “hù dọa” thì cốt lõi vẫn là câu chuyện nhân - quả có chiều sâu và thông điệp hạnh phúc không thể bồi đắp từ tội ác.

Ở sân khấu kịch Trương Hùng Minh của Minh Nhí tái dựng tác phẩm kinh điển “Án mạng đêm không trăng” theo kịch bản kinh điển của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.

Tác phẩm do Ngọc Duyên đạo diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ Bình Tinh, Công Danh, Bảo Kun, Thạch Thảo, Trung Tín và nhiều diễn viên trẻ. Minh Nhí cho biết việc làm mới vở diễn phần nào giúp sân khấu giải quyết được tình trạng khan hiếm kịch bản.

Áp lực đổi mới và giữ chân khán giả

Khán giả luôn đòi hỏi và có yêu cầu cao với một vở diễn được làm lại. Trong đó, việc so sánh diễn viên ở hai thế luôn xảy ra khi một sân khấu quyết định làm mới các vở diễn.

Còn nhớ sự thành công của “Quả tim máu” ngày trước còn đến từ diễn xuất đầy lôi cuốn của Thái Hòa trong vai Cu Hù - anh chàng người dân tộc hồn nhiên. Vì thế, qua những lần thay đổi diễn viên, điều được nhiều khán giả quan tâm chính là những đổi mới trong vai diễn cũng như dàn diễn viên có vượt được cái bóng của các thế hệ đi trước.

Khi diễn viên trẻ Tuấn Dũng thủ lại vai này của đàn anh, anh không khỏi áp lực dù rằng nam diễn viên có sở trường diễn hài và từng đạt danh hiệu Á quân Cười xuyên Việt 2016. Tuấn Dũng cho biết, đây là áp lực nhưng cũng là cơ hội vì Cu Hù là vai diễn rất được yêu thích và mong rằng khán giả đến xem với tâm thế thưởng thức một bản dựng mới với những điều mới mẻ, những dấu ấn riêng từ các diễn viên mới.

Nhu cầu xem kịch của khán giả có nhiều chuyển biến tích cực hơn từ đầu năm đến nay khi lượng người đi xem có tăng hơn vài năm trước. Điều này cũng tạo động lực cho các sân khấu nỗ lực thay đổi, làm mới để giữ chân khán giả.

Tuy nhiên, ngoài việc làm mới các kịch bản cũ, các sân khấu cũng cần kết hợp với các vở diễn mới nhằm luôn tạo cho khán giả sự bất ngờ và giúp giữ chân họ đến với sân khấu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết