Tại sao đầy hơi không chỉ là vấn đề của hệ tiêu hóa?
Theo các bác sĩ, căng thẳng và thiếu ngủ cũng có thể làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến đầy hơi.
Thói quen gây đầy hơi
Tiến sĩ Akshat Chadha - chuyên gia tư vấn lối sống trị liệu và Trưởng khoa Y tại Hệ thống chữa bệnh toàn diện Luke Coutinho (Ấn Độ) - cho biết, đầy hơi có nguyên nhân từ lối sống ít vận động, đường ruột không khỏe mạnh hoặc do thói quen hằng ngày và loại thực phẩm nạp vào cơ thể.
Theo Tiến sĩ Chadha, những nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác đầy hơi gồm:
Ngồi lâu; mặc quần áo bó sát; kẹo cao su; ăn trái cây với đồ ăn đã nấu chín; nuốt nước bọt hoặc uống nước nhanh; nói chuyện trong khi ăn hoặc ăn há miệng; uống nhiều nước trong khi ăn; ăn nhanh; thiếu lợi khuẩn trong thực phẩm; uống rượu, đặc biệt là bia và hút thuốc dưới mọi hình thức; táo bón…
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nadendla Hazarathaiah -chuyên gia tư vấn phẫu thuật tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa và là bác sĩ phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Gleneagles, Lakdi Ka Pul (Hyderabad, Ấn Độ) - cho hay, chất tạo ngọt nhân tạo và các chất như sorbitol và aspartame có thể lên men trong ruột, gây ra khí và đầy hơi.
Mặc dù lành mạnh, nhưng chất xơ quá mức từ đậu, đậu lăng và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể gây ra khí và đầy hơi ở một số cá nhân.
Căng thẳng và thiếu ngủ cũng dẫn đến đầy hơi
Tiến sĩ Nadendla Hazarathaiah nói thêm rằng, đầy hơi không chỉ là cảm giác khó chịu, nó thường là dấu hiệu sớm của tình trạng kích ứng hoặc viêm ở ruột. Nếu không được kiểm soát, có thể trở nên nghiêm trọng hơn như viêm mạn tính, hội chứng ruột rò rỉ hoặc thậm chí là trào ngược axit.
Tình trạng không dung nạp thường biểu hiện bằng chứng đầy hơi và có thể do nhiều loại thực phẩm khác nhau gây ra, tùy theo từng cá nhân.
Ngoài ra, sự phát triển quá mức hoặc mất cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột có thể góp phần gây ra tình trạng này. Sự mất cân bằng có thể xảy ra khi mọi người dùng prebiotic, probiotic hoặc các chất bổ sung khác mà không có hướng dẫn phù hợp hoặc khi thói quen ăn uống của họ khác biệt đáng kể so với những gì ruột của họ quen.
Căng thẳng, cũng như thiếu ngủ có thể phá vỡ hệ vi sinh đường ruột và dẫn đến đầy hơi.
Ảnh hưởng đến sức khỏe làn da
Tiến sĩ Rashmi Shetty - bác sĩ da liễu thẩm mỹ tại Phòng khám Ra Skin and Aesthetics (Mumbai, Ấn Độ) - khẳng định, khi đường ruột mất cân bằng, nó có thể biểu hiện trên da của bạn, có khả năng gây ra các vấn đề như bệnh chàm, bùng phát bệnh vẩy nến, mụn trứng cá hoặc chỉ đơn giản là da nhạy cảm hoặc bị viêm.
Mối liên hệ này là lý do tại sao cần tập trung vào việc duy trì sức khỏe đường ruột. Bởi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe làn da và sức khỏe tổng thể của bạn.