• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiễm giun sán vì thói quen ăn rau sống

Rau sống là món ăn kèm phổ biến của người Việt Nam. Tuy nhiên, hết sức cẩn thận khi ăn món ăn quen thuộc này vì dễ nhiễm giun sán.

Nhiễm giun sán vì thói quen ăn rau sống

Rau sống món ăn phổ biến của nhiều người nhưng cần cẩn thận, đề phòng nhiễm giun sán. Ảnh: Thanh Hương

Nhiễm 5 loại giun, sán

Thường xuyên ăn rau sống, người bệnh nữ 65 tuổi (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) bị nhiễm cùng lúc 5 loại giun, sán nguy hiểm.

Người bệnh thường xuyên ăn rau sống, cứ 5 ngày ăn 1 bữa. Khoảng 2 tháng gần đây, người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau đầu, sút 8kg nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.

Tại khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, sau khi được thực hiện các kiểm tra lâm sàng, phim chụp CT ngực có viêm phổi; Xét nghiệm công thức máu có tăng bạch cầu ái toan; xét nghiệm ký sinh trùng phát hiện dương tính với: Sán lá gan lớn, Sán dây chó, Giun lươn, giun đũa chó mèo, sán máng.

️Người bệnh được chẩn đoán: Viêm phổi – Tăng bạch cầu ái toan – Nhiễm nhiều loại kí sinh trùng – Viêm dạ dày – Viêm gan.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng từng tiếp nhận người đàn ông trung niên trú tại Vĩnh Phúc tới khám bệnh vì có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, kéo dài một tuần. Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và chiếu chụp.

Trên phim chụp, bác sĩ thấy bệnh nhân nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây, ở cả não và trong cơ.

Bệnh đến từ món ăn

Bác sĩ Trần Văn Sơn, khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường, gồm việc tiêu thụ thực phẩm chưa chế biến kỹ, uống nước lã, ăn rau sống, hoặc bị côn trùng đốt như muỗi, rệp. Thậm chí, việc tiếp xúc với vật chủ trung gian truyền bệnh như chó, mèo, chim cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, nhiều người lựa chọn món lẩu cho những buổi liên hoan, tụ tập.

Tuy nhiên, với các loại rau thủy sinh (rau muống, rau ngổ, rau cần, diếp cá…) khi ăn không được nấu chín hoặc ăn lẩu chỉ nhúng qua thì ấu trùng cũng sẽ không bị tiêu diệt. Người ăn vào không chỉ nhiễm trứng giun mà còn có khả năng nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

“Khi ăn rau không được rửa sạch, không được nấu chín đảm bảo sẽ có nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn và trứng giun đũa, giun móc. Sán lá gan lớn có thể gây ra những ổ áp-xe trong gan và ấu trùng có thể đi khắp cơ thể người gây ra tổn thương và các tổ áp-xe ngoài gan ở nách, cơ thành bụng, đầu gối, đùi, bắp chân… Để phòng sán lá gan, người dân nên bỏ thói quen ăn đồ tái, sống...” - PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết