• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam sẵn sàng cho hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Sau 10 năm được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (TP Châu Đốc - An Giang) đã vươn đôi vai Phù Đổng sẵn sàng cho hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam sẵn sàng cho hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Chương trình sân khấu hóa Lễ khai hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam 2024. Ảnh: Lâm Điền

Rực rỡ đêm khai hội

Tại phường Núi Sam (TP Châu Đốc) tỉnh An Giang mới đây đã long trọng làm lễ khai hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam 2024. Du khách như mãn nhãn trước chương trình sân khấu hóa hoành tráng của sự hội tụ giữa nội dung độc đáo và sự rực rỡ của kỹ thuật ánh sáng hiện đại.

Sau khi chìm ngập trong không gian văn hóa của chương trình mở màn với chủ đề: “Huyền tích Núi sam”, 300 máy bay không người lái, mang màn hình LED bay tạo hình 12 nội dung thể hiện nét văn hóa, lịch sử, truyền thống gắn với tâm linh cùng danh lam, thắng cảnh Châu Đốc, như hình tượng Thoại Ngọc Hầu, danh tướng có công lớn trong việc khai mở vùng đất Châu Đốc nói riêng, biên giới Tây Nam của Tổ quốc nói chung; hình tượng Bà Chúa xứ Núi Sam, kênh Vĩnh Tế…

Tuy nhiên, đó chỉ mới là sự khởi đầu. Bởi trong hơn 10 ngày hoạt động (22.5 - 3.6.2024) lễ hội còn có chuỗi sự kiện hấp dẫn khác, như: Rước tượng Bà, tái hiện truyền thuyết 9 cô gái đồng trinh thỉnh tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống nơi tọa lạc Miếu Bà dưới chân núi như ngày nay, Thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu… Tất cả như sự phản chiếu sinh động truyền thống, bản sắc văn hóa, sự tiếp biến văn hóa của vùng đất có 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm chung sống để mọi người tiếp nhận, trải nghiệm…

“An Giang mong muốn qua việc tổ chức hoành tráng tại lễ hội lần này hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch của tỉnh hướng tới chiến lược lâu dài, bền vững…” - ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam chia sẻ.

Chờ ngày tỏa sáng ra thế giới

Để có được không gian rực rỡ sắc màu của ánh sáng, của những hoạt động chiều sâu văn hóa như Lễ hội lần này là kết quả của hành trình đầu tư không ngừng nghỉ của cả cộng đồng suốt nhiều năm tháng.

“Đặc biệt là 10 năm nay, từ thời điểm Bộ VHTTDL đưa Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam vào danh sách Văn hóa phi vật thể quốc gia (2014-2024), địa phương đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cả phần lễ và phần hội” - ông Lê Văn Phước nhấn mạnh tại lễ khai hội.

Theo đó, bên cạnh việc phát huy các nghi lễ truyền thống, đảm bảo tính trang nghiêm, An Giang còn tổ chức 2 hội thảo cấp quốc gia và quốc tế để tiếp nhận ý kiến hay, đề xuất mới… Qua đó tuyển chọn những cách làm phù hợp thực tế bổ sung vào các hoạt động lễ hội.

Nhờ cách làm cầu thị này, An Giang ngày càng phát huy được chiều sâu văn hóa, đưa Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam trở thành trái tim du lịch của tỉnh, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách.

“Sau thời gian dài được nhiều bộ, ngành cùng địa phương chuẩn bị, hiện Chính phủ đang đệ trình Tổ chức UNESCO hồ sơ ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp lần thứ 19 vào cuối năm 2024” - ông Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Nếu được thông qua, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc đa số và thiểu số và là di sản thứ hai của vùng đất Nam Bộ được đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, sau Đờn ca tài tử Nam Bộ. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của lễ hội trong đời sống quốc gia, mà còn như “Giấy thông hành” để lan tỏa , phát huy và trường tồn trong đời sống nhân loại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết