Cần làm rõ quản lý di sản văn hóa ở Nam Định
Tuần qua, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) có văn bản số 1003/ DSVH-DT gửi Sở VHTTDL tỉnh Nam Định để “tuýt còi” việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong tại Phủ Vân Cát thuộc khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy.
Vì sao Cục Di sản văn hóa lại yêu cầu dừng việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong thì báo chí và dư luận đã phản ánh, chỉ rõ nên ở đây không cần thiết phải nhắc lại, tuy nhiên xung quanh vụ việc này vẫn còn đó vấn đề cần được làm sáng tỏ trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Bỏ qua cấp xã, từ huyện Vụ Bản đến Sở VHTTDL Nam Định đều tỏ tường rằng, tại Phủ Vân Cát hiện không có các sắc phong. Điều này đã thể hiện trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy, cụ thể là bản thống kê hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát.
Theo lý thuyết, không còn hiện vật gốc nghĩa là sắc phong cổ đã bị mất hoặc đã hư hỏng rất nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau thì căn cứ vào đâu và cái gì để làm bản sao, chứ chưa nói đến phục hồi. Vậy mà UBND huyện Vụ Bản, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định vẫn “nhiệt tình” đề nghị cơ quan nghiên cứu quan tâm phục hồi sắc phong trên cơ sở nội dung đơn của thủ nhang Phủ Vân Cát, bỏ qua hay làm ngơ quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tại Điều 46 Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ như ban ngày, “Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các điều kiện sau”, trong đó nhất thiết phải “có bản gốc để đối chiếu”. Người viết không tin UBND huyện Vụ Bản và Sở VHTTDL tỉnh Nam Định lại không biết có quy định này trong Luật Di sản văn hóa.
Nhưng người viết lại không thể tin nổi vì sao, đường đường là cấp huyện quản lý di sản văn hóa ở địa phương, là một Sở quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên toàn tỉnh, thế nhưng UBND huyện Vụ Bản và Sở VHTTDL tỉnh Nam Định vẫn “vô tư” đề nghị cơ quan nghiên cứu quan tâm, tạo điều kiện phục hồi sắc phong Phủ Vân Cát, trong khi đó họ cũng thừa biết Luật Di sản văn hóa không có quy định nào về việc phục hồi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Chưa hết, huyện Vụ Bản cũng rất “nôn nóng” đề nghị Sở VHTTDL xem xét, tạo điều kiện và hướng dẫn địa phương đón nhận sắc phong thác bản (bản phục hồi sắc phong), và Sở này cũng chưa cần suy xét kỹ nên lập tức có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa xin ý kiến về việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong tại Phủ Vân Cát.
Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh; chính quyền cấp huyện được tỉnh phân cấp quản lý di tích, danh thắng ở địa phương mà “không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa vì việc làm bản sao chỉ được thực hiện khi có bản gốc và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VHTTDL”, thì thử hỏi họ sẽ quản lý, bảo vệ và phát huy di sản như thế nào? Hay nói như dư luận đang râm ran, “họ biết quy định cả đấy nhưng vì lợi ích gì đó nên cứ ký trình, ký đề nghị...”?
Bởi vậy, qua vụ việc cụ thể này cấp có thẩm quyền cần làm rõ về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó xác định trách nhiệm của những cá nhân liên quan. Quản lý mà không “thuộc” luật, bỏ qua luật thì rất nguy hiểm.