Phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản văn hóa Thủ đô
“Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô hiện nay” là giải pháp được 4 thành viên đội “Hà Nội văn hiến” mang đến chung khảo Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với mong muốn góp phần xây dựng thành phố văn minh, giàu mạnh.
Theo các thành viên đội "Hà Nội văn hiến", với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, sức mạnh văn hóa đã và đang trở thành “nguồn lực mềm” quan trọng trong quá trình phát triển, tạo nên sức cạnh tranh có tính toàn cầu của mỗi quốc gia. Với vị thế là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội có trọng trách to lớn trong xây dựng, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa quốc gia trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Các thành viên đội "Hà Nội văn hiến" thuyết trình tại chung khảo Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh Lê Trang |
Đặc biệt, sau khi Quốc hội khóa 12 ban hành Nghị quyết số 15 về việc mở rộng địa giới hành chính đã mở ra vận hội mới cho Thủ đô. Trong đó, Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.
Quyết định lịch sử này cũng đưa Thủ đô Hà Nội trở thành địa phương giàu có nhất cả nước về di sản văn hóa, gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản ấy là tổng hoà các yếu tố để tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.
Các thành viên đội "Hà Nội văn hiến" |
Để phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô hiện nay, các thành viên đội "Hà Nội văn hiến" đề xuất, thành phố quan tâm hơn đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, như: Tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giải phóng mặt bằng di chuyển hộ dân, cơ quan, trường học ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh cho các di tích. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đến việc khôi phục, quản lý và phát huy tốt các giá trị di sản như: Tái hiện các lễ hội truyền thống, phục dựng lễ hội truyền thống và tinh hoa văn hóa các làng nghề…
Trên nền tảng là các không gian đi bộ, phố đi bộ kết hợp với các điểm di sản lân cận, thành phố tổ chức không gian văn hóa sáng tạo gắn với biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, không gian sinh hoạt cộng với quy mô trung bình và lớn. Thành phố cũng cần tập trung phát triển du lịch văn hóa, coi du lịch văn hóa, di sản văn hóa là trọng tâm, du lịch ẩm thực là động lực; xây dựng và triển khai các đề án như: “Nâng cao chất lượng tuyến phố văn hóa ẩm thực”, “Thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các không gian đi bộ, không gian sáng tạo trên địa bàn”; đẩy mạnh đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối giữa phố nghề, phố chuyên doanh, điểm di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian của quận với các tour, tuyến du lịch của thành phố.
Thành phố khai thác các tour du lịch gắn với trải nghiệm ẩm thực (quận Hoàn Kiếm với tour ẩm thực Đồng Xuân, phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông (Cấm Chỉ); huyện Thường Tín với bánh dày Thượng Đình; huyện Ứng Hòa với vịt cỏ Vân Đình; Huyện Quốc Oai với sản phẩm OCOP miến làng So…)
Ngoài ra, thành phố cần tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, đẩy mạnh xây dựng các chương trình liên kết văn hóa – sản phẩm - dịch vụ theo vùng: Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Đồng bằng Bắc bộ, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”; Tuyến du lịch làng nghề từ trung tâm Hà Nội; tuyến du lịch sông Hồng; tuyến du lịch tâm linh kết nối liên vùng: Hà Nội - Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính....
Đối với hợp tác quốc tế, các thành viên đội "Hà Nội văn hiến" cho rằng cần tích cực, nhanh nhạy nắm bắt và phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai nhiều dự án văn hóa nhằm tạo ra các không gian sáng tạo, qua đó phát triển du lịch, thu hút khách tham quan. Hà Nội học hỏi, xây dựng những ý tưởng hay, mô hình mới của các địa phương, nước bạn để áp dụng vào thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa.