Phía sau những bộ phim về thảm họa thiên nhiên
“Đường Sơn đại địa chấn” là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Phim tái hiện lại trận động đất xảy ra ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) năm 1976. Và phía sau những bộ phim về thảm họa thiên nhiên, câu chuyện gây xúc động nhất luôn là nhân tính, tình người, sự gắn kết, hy sinh cho nhau giữa thời khắc sinh tử.
Phía sau thảm họa là nỗi đau vĩnh viễn
“Aftershock” là tựa gốc của bộ phim, có nghĩa là “dư chấn”. Là những nỗi đau còn lại sau trận động đất rung chuyển cả thành phố Đường Sơn.
Vào rạng sáng ngày 28.7.1976, trận động đất 7,8 độ richter xảy ra bất ngờ, cường độ mạnh chưa từng có, chỉ với vài tích tắc đã tàn phá tan hoang cả Đường Sơn, cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người.
Khi đưa câu chuyện lên màn ảnh, đạo diễn Phùng Tiểu Cương không chỉ chú trọng việc sử dụng kỹ xảo để mô tả lại sự kinh hoàng của trận động đất, ông đưa cú máy của mình tiếp cận những cuộc đời, những số phận con người đã bị hủy hoại hoàn toàn sau trận động đất ấy.
Bộ phim tái hiện trận động đất đã làm “rung chuyển” cả màn ảnh, lập kỳ tích phòng vé năm 2010 bởi những câu chuyện xúc động tận tâm can người xem, trước số phận con người.
Phim tập trung tâm điểm vào câu chuyện của một gia đình phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau trận động đất. Lý Nguyên Ni sau khi chứng kiến cảnh chồng bị vùi chết, bà đã phải đưa ra quyết định, khi cả hai đứa con đều nằm dưới đống đổ nát.
Đội cứu hộ nói, hai con của Lý Nguyên Ni đang nằm ở 2 đầu của một tấm bêtông, họ chỉ có thể cứu được một trong hai, Lý Nguyên Ni phải quyết định cứu cô con gái Phương Đăng, hay cậu con trai Phương Đạt.
Trong lúc cùng quẫn, tuyệt vọng, Lý Nguyên Ni cầu xin đội cứu hộ hãy cứu con trai Phương Đạt. Bà không thể ngờ rằng, sự lựa chọn của mình đã khiến con gái Phương Đăng nằm ở bên kia tấm bêtông nghe thấy.
“Đường Sơn đại địa chấn” đi sâu vào diễn biến tâm lý, sự hủy hoại tinh thần, nỗi đau đớn dày xéo cả 3 nhân vật Lý Nguyên Ni, Phương Đăng và Phương Đạt suốt nhiều năm khi trận động đất kết thúc. Đường Sơn được tái thiết sau thảm họa, thành phố ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng nỗi đau mất mát người thân, nỗi đau sinh ly tử biệt thì còn lại vĩnh viễn trong mỗi cảnh đời, số phận.
Tờ SCPM viết về bộ phim “Đường Sơn đại địa chấn” như một góc nhìn sâu sắc về thảm họa thiên nhiên. Cách tiếp cận câu chuyện về số phận con người sau thảm họa gây xúc động mạnh mẽ, khiến hàng triệu khán giả rơi nước mắt.
Nhân tính và trời tính
Phía sau những bộ phim về thảm họa thiên nhiên, câu chuyện gây xúc động nhất luôn là nhân tính, tình người, sự gắn kết, hy sinh cho nhau giữa thời khắc sinh tử.
“Sóng thần ở Haeundae” - một bộ phim Hàn Quốc từng trở thành hiện tượng phòng vé khi xoay quanh cuộc sống, những mối quan hệ chồng chéo của con người khi sóng thần xảy đến.
“Sóng thần ở Haeundae” không chỉ nhắm mục đích vào việc tái hiện cơn sóng thần hung dữ, cao như tòa nhà đổ ập vào thành phố, bộ phim tập trung vào cuộc sống, số phận con người khi bị vùi dập, hoảng loạn giữa thảm họa thiên nhiên. Khi thiên nhiên nổi giận, số phận con người trở nên mỏng manh, bé nhỏ và bi thảm.
Sóng thần đã ập đến thành phố biển bất ngờ, khi cuộc sống bình yên của hàng vạn con người bình dị đang diễn ra. Người mẹ già đang cãi nhau với cậu con trai hơn 30 tuổi vẫn thất nghiệp nằm nhà. Đôi vợ chồng ly hôn tình cờ gặp lại nhau đang đặt câu hỏi về sự đổ vỡ của họ…
Tất cả họ - những người đang sống hạnh phúc hay đau khổ, giàu hay nghèo, những người đang có những dự định dở dang, đang còn điều ấp ủ, những người chưa kịp nói điều muốn nói với người thân… đã cùng kết thúc cuộc sống trong một ngày đen tối.
Giữa cơn hoảng loạn, giữa cuộc chiến sinh tồn khủng khiếp ấy, những tấn bi kịch vẫn diễn ra, có thể người mà bạn ghét bỏ, coi thường hôm qua chính là người sẽ cứu bạn trong cơn thảm họa hôm nay, người bạn cần nói lời xin lỗi đã không kịp nói, người bạn yêu thương nhất đã vụt ra đi trong tích tắc...