Mâm cỗ cúng rằm tháng 8 - Tết Trung thu đầy đủ và chi tiết
Trong ngày rằm tháng 8, hay còn gọi là Tết Trung thu, mâm cỗ cúng dù không cần chuẩn bị cầu kì, nhưng vẫn phải đầy đủ, tươm tất và thành tâm.
Tết Trung thu năm nay (15.8 âm lịch) rơi vào thứ Ba, ngày 17.9.2024.
Trong sách "Việt Nam phong tục" của tác giả Phan Kế Bính có viết: "Rằm tháng 8 là Tết Trung thu. Tết này, người ta thường gọi là Tết trẻ con. Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng".
Theo nội dung trong sách “Việt Nam phong tục”, mâm cỗ cúng rằm tháng 8 thường có hoa quả, bánh kẹo. Người Việt làm cả cỗ cúng gia tiên và cỗ thưởng nguyệt. Vào ngày lễ, trẻ con rước đèn, kéo co, người lớn bày cỗ, hát trống quân.
Trong đó, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, mâm cỗ cúng rằm tháng 8 không thể thiếu những loại trái cây mang ý nghĩa may mắn tốt đẹp như chuối, bưởi, hồng, na, lựu… Trong mâm cỗ truyền thống thường có cả quả xanh và quả chín, mang ý nghĩa âm dương hòa hợp.
Đặc biệt, mâm cúng Tết Trung thu cần chuẩn bị bánh nướng và bánh dẻo với hình vuông - tròn, tượng trưng cho trời đất. Nhiều gia đình cũng chuẩn bị thêm trà sen, trà hoa nhài và trà mạn để cúng cùng bánh. Có thể trang trí thêm bình hoa tươi và các loại đèn Trung thu đặc trưng.
Đối với mâm cúng mặn, các gia đình có thể chuẩn bị giò, thịt ba chỉ luộc, xôi và các món ăn truyền thống tùy theo điều kiện. Mâm cúng rằm tháng 8 cần được chuẩn bị một cách tươm tất, cẩn thận, thể hiện được sự thành kính của gia chủ.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, mâm cỗ cúng rằm tháng 8 không cần cầu kì như rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 nhưng phải chuẩn bị một cách kĩ lưỡng.
Cúng rằm tháng 8 là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam, vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm đầy đủ để dâng lên tổ tiên, thần linh với mục đích cầu bình an, gia đạo hòa thuận.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng cần chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả gia đình sẽ quây quần dưới ánh trăng phá cỗ Trung thu.
Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng gia đình mà mâm cúng rằm tháng 8 có sự thay đổi sao cho phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung, mỗi mâm cúng rằm tháng 8 sẽ bao gồm: bánh nướng, bánh dẻo, các loại hoa quả, hương hoa và đèn nến...
Ở châu Á, Tết Trung thu mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa và màu sắc riêng biệt.
Người Nhật ngắm trăng, ăn món truyền thống trước cửa nhà, trẻ em tham gia lễ hội rước đèn lồng cá chép.
Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc xem Tết Trung thu là ngày lễ lớn, dịp để gia đình đoàn tụ, ăn bữa cơm đoàn viên.
Người Trung Quốc thường uống rượu, ngắm trăng, trò chuyện. Họ còn có phong tục tế trăng, thả đèn hoa đăng, múa lân, giải câu đố…
Vào dịp này, người Hàn Quốc mặc hanbok, ăn bánh songpyeon, bánh đậu xanh, uống rượu sindoju...
Một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines... Tết Trung thu mang đậm màu sắc người Hoa. Những con phố rực rỡ đèn lồng, tiệm bánh Trung thu, đoàn múa lân, múa sư tử.
Khác biệt thuộc về Campuchia, quốc gia này tổ chức Tết Trung thu vào ngày 15.10 âm lịch, gọi là Ok Om Bok.