• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm có giải pháp căn cơ, dài hạn cho thị trường vàng

Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục ban hành các Nghị quyết, Công điện, chỉ thị cùng hàng loạt văn bản liên quan nhằm ổn định thị trường vàng.

Đáng chú ý, từ ngày 3.6.2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng cách triển khai phương án bình ổn thị trường vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và Công ty SJC để bán ra thị trường theo mức giá NHNN quy định.

Biện pháp can thiệp quyết liệt này của NHNN đã nhanh chóng mang lại hiệu quả, thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Đầu tiên là chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới đã được rút ngắn 60 - 70% so với trước đó. Từ mức đắt đỏ hơn 18 - 20 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Thứ hai là giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn chỉ còn cách nhau 1 triệu đồng/lượng, thay vì chênh lệch đến mức vô lý từ 12 - 13 triệu đồng/lượng như nhiều năm nay.

Tiếp đến là vàng lậu đã giảm dần đất sống do quy định bắt buộc phải xuất hóa đơn khi bán vàng. Điều này còn giúp ổn định tỉ giá, vốn luôn rất nhạy cảm với các biến động trên thị trường vàng.

Dù các biện pháp ngắn hạn và quyết tâm của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường đã mang lại những kết quả tích cực, nhưng nhìn xa hơn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường vàng vẫn cần những giải pháp căn cơ, dài hạn và bền vững hơn để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường vàng.

Trước hết, như Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong một cuộc họp hồi giữa tháng 6 là tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng, từ đó tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định 24.

Trả vàng về cho thị trường vận hành thay vì NHNN trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu mới chính là giải pháp bình ổn thị trường vàng trong dài hạn mà Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo; các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia về vàng đã đề xuất, kiến nghị.

Tiếp đến, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng. Việc phát triển các sản phẩm như hợp đồng tương lai vàng, chứng chỉ vàng sẽ giúp đa dạng hóa các công cụ đầu tư, tạo ra sự linh hoạt và giảm bớt sự phụ thuộc vào vàng vật chất. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường vàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Cần tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và điều tiết thị trường vàng. Việc tham gia vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế về vàng sẽ giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận các công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng trong nước.

Chỉ khi có một chiến lược quản lý và điều tiết thị trường vàng toàn diện thay cho các giải pháp hành chính ngắn hạn, chúng ta mới có thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì trật tự, tạo sự lành mạnh cho thị trường và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết