WHO báo tin vui về tình hình Covid-19 toàn cầu
Số ca nhiễm mới Covid-19 toàn cầu đã giảm 16% vào tuần trước, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO quy định thời gian cập nhật về tình hình Covid-19 toàn cầu vào mỗi cuối ngày thứ ba hàng tuần. Báo cáo mới nhất của tổ chức cho biết, không chỉ số ca nhiễm mới giảm 16% mà số ca tử vong do SARS-CoV-2 cũng giảm 10% vào tuần trước.
Tổng cộng có hơn 10 triệu ca mắc mới và khoảng 60.000 ca tử vong trên toàn cầu. Tây Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có số ca nhiễm mới Covid-19 tăng và tăng hơn 1/3 so với tuần trước.
Tử vong do SARS-CoV-2 ở khu vực Tây Thái Bình Dương cũng tăng 22% và tăng 4% ở Trung Đông, trong khi các khu vực khác trên thế giới đều giảm, WHO cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh, tốc độ lây lan của biến chủng Omicron đáng ngại hơn mọi biến thể khác như Delta, Beta, Gamma, Lambda … Cụ thể, số ca nhiễm mới từ biến chủng Omicron lên tới hơn 99,5%, trong khi Delta chỉ 0,3%.
Hiện một số quốc gia châu Âu như Anh, Thụy Điển và Đan Mạch đã dỡ bỏ gần như mọi hạn chế về Covid-19, vì các ca bệnh đã giảm trong khi độ phủ vắc-xin rộng khắp.
Tại Mỹ, các chuyên gia ước tính khoảng 73% dân số hiện đã miễn dịch với biến chủng Omicron và bất kỳ đợt bùng phát Covid-19 nào (nếu có) trong tương lai cũng sẽ dễ dàng kiểm soát.
Trái với Mỹ và nhiều nước châu Âu, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) tối 2-3 quyết định cắt giảm các dịch vụ xe buýt, tàu điện ngầm và chuỗi siêu thị. Thực tế, số ca nhiễm mới và tỷ vong do Covid-19 ở đặc khu này tăng cao trong những ngày qua. Hơn nữa, Hồng Kông kiên định với chính sách "zero Covid-19" giống như Trung Quốc đại lục.
Hồng Kông đang hạn chế các dịch vụ xe buýt, tàu điện ngầm … do lo ngại sự lây lan của Covid-19. Ảnh: Ky Cheng
"Trung tâm tài chính toàn cầu với 7,4 triệu dân đã có tổng cộng khoảng 290.000 người nhiễm và 1.1000 ca tử vong do Covid-19" - theo Reuters. "Riêng chỉ trong tuần qua tại Hồng Kông đã có khoảng 700 người chết, chủ yếu do chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh".
Hồng Kông có tỉ lệ lớn người cao tuổi không tiêm chủng phòng Covid-19. Nhiều người do dự không tiêm chủng bởi lo sợ tác dụng phụ và tin tưởng về thành công của chính quyền trong việc kiểm soát đại dịch vào năm 2021.
WHO nhiều lần cho biết còn quá sớm để tuyên bố đại dịch Covid-19 đã đến hồi kết thúc và cảnh báo nếu để vi-rút tiếp tục lây lan sẽ dẫn tới khả năng tạo thành biến chủng mới có khả năng siêu lây nhiễm và gây tử vong cao hơn.