Sử dụng máy đo SpO2 cho F0 điều trị tại nhà thế nào để kết quả chính xác nhất?
Để đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chính xác, người bệnh cần xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2; để cố định bàn tay lên trên mặt bàn, khi đo cố gắng không cử động.
Với các F0 điều trị tại nhà, máy đo nồng độ oxy máu SpO2 là thiết bị rất hữu ích giúp bệnh nhân Covid-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng.
Trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chỉ bày bán tại các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng dành cho những người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp.
Đối với những người mắc COVID-19 khi trở nặng thường có biểu hiện suy hô hấp, máy đo SpO2 là một công cụ phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu để sớm có hướng xử lý cho bệnh nhân.
Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ COVID-19. Người tiêu dùng vẫn cần theo dõi sát các triệu chứng khác của cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, ngoài những lợi ích, máy đo SpO2 tại nhà cũng có thể gây nguy hiểm nếu không cung cấp chỉ số chính xác với tình trạng thực tế của người bệnh. Từ đó, người bệnh chủ quan hoặc hoảng hốt quá mức, dẫn đến tự sử dụng các biện pháp cấp cứu sai.
Sử dụng máy đo SpO2 thế nào để kết quả chính xác nhất?
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Chỉ số hiện trên máy đo SpO2 thể hiện tỷ lệ phần trăm từ 0-100%. SpO2 bình thường là ≥ 97%, tức tình trạng oxy hóa trong máu được xem là đảm bảo. Nếu chỉ số dao động 97-92%, vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, người bệnh theo dõi tại nhà.
Trường hợp SpO2 thấp hơn 92% phản ánh tình trạng máu thiếu oxy nghiêm trọng, làm bệnh nhân có triệu chứng tím tái ở môi, ngón tay, bệnh diễn tiến nặng... Lúc này, người bệnh cần được cho hỗ trợ hô hấp, cho thở oxy bằng máy tạo oxy hoặc oxy y tế trong bình chuyên dụng. Nếu đã thở oxy với lưu lượng 5-10 lít/phút mà chỉ số SpO2 không cải thiện, không đạt trên 92% thì người bệnh đứng trước nguy cơ suy hô hấp phải can thiệp mức cao hơn, bắt buộc phải nhập viện.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội về cách sử dụng máy đo SpO2 chuẩn sẽ gồm 6 bước. Cụ thể:
Bước 1: Kiểm tra xem máy còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tùy loại máy).
Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.
Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiểu thị trên màn hình sau vài giây.
Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt.
Bước 5: SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 95-100%.
Bước 6: Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút. Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
Để đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chính xác, người bệnh cần xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2; để cố định bàn tay lên trên mặt bàn, khi đo cố gắng không cử động trong vòng 3 phút để kết quả được chính xác hơn.
Lưu ý: Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Theo đó, người tiêu dùng có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm nhà sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác.