Có tình trạng lạm dụng thuyết trình, môn học nào cũng thuyết trình (?!)
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khác với giao bài tập về nhà.
Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học, thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.
Chương trình 2 buổi/ngày không giao bài tập về nhà nhưng học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức.
Giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau
Ông Hiếu cho biết thời gian qua, có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài ở nhà để vào lớp thuyết trình.
Theo ông Hiếu, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.
"Giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong 1 tuần, 1 tháng thì vừa sức học sinh, chứ không lạm dụng" - ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, chương trình 2018 là dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Không phải dạy cho hết sách giáo khoa (SGK), đọc cho hết, viết cho hết chương đó. Có trường hợp đi dự giờ, thấy giáo viên dạy chưa hết SGK, chưa đến mục cuối cùng đã hết giờ, liền đánh giá cháy giáo án, như vậy là không phải. "Do đó, cách dự giờ, đánh giá giáo viên hiện nay cũng cần phải thay đổi theo định hướng mới"- ông Hiếu nhấn mạnh.