Miễn giảm học phí: Chủ trương tốt đẹp cần lan tỏa
Đến nay đã có 5 địa phương quyết định miễn, giảm học phí năm học 2023 - 2024 cho học sinh gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Bình.
HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua nghị quyết về miễn học phí năm học 2023 - 2024 nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.
Hết sức cân nhắc khi ngân sách hạn chế
Theo nghị quyết này, học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm học. Các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí học kỳ I. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên bị giảm thu từ nguồn học phí sẽ được ngân sách hỗ trợ kinh phí.
Chị Võ Thị Phương Loan - ngụ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - cho biết sau dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nên khi bước vào năm học mới 2023 - 2024, nhiều phụ huynh lo lắng về mức thu học phí. "Sau khi HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua nghị quyết miễn học phí học kỳ I, hầu hết phụ huynh đều đồng tình và phấn khởi bởi gánh nặng của năm học mới đã được tỉnh quan tâm chia sẻ" - chị Loan nói.
Là một tỉnh nghèo nhưng Quảng Bình mạnh dạn có chính sách hỗ trợ học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. Trong ảnh: Một lớp học mẫu giáo ở xã Bố Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đánh giá việc miễn, giảm học phí sẽ gây nhiều khó khăn vì không có kinh phí để tái đầu tư cho ngành giáo dục trong hoàn cảnh tỉnh còn chưa đủ năng lực tài chính để dùng ngân sách lo hết các khoản học phí này. "Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã hết sức cân nhắc về các phương án miễn, giảm học phí để chính thức trình lên HĐND tỉnh và đã được thông qua, đây là tín hiệu đáng mừng với phụ huynh học sinh, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống" - ông Phong nói.
Ông Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình - khẳng định trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, đặc biệt là dịch COVID-19 trong các năm vừa qua, để chia sẻ bớt gánh nặng với người dân, tỉnh đã rất nỗ lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí. Quy định này đã được các cơ quan tham mưu xây dựng kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc miễn học phí 2 năm học gần đây; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh; thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân. "Tỉnh cũng mong nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng hành với ngành giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng dạy và học" - ông Châu bày tỏ.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Bình miễn học phí cho học sinh. Năm học này, tỉnh có khoảng 580 trường học với hơn 233.500 học sinh ở các cấp, học phí dao động 80.000 - 370.000 đồng/tháng.
Chính sách đặc thù của Đà Nẵng
Miễn, giảm học phí ở các cấp học được một vài địa phương thực hiện trong vài năm trở lại đây. Trong đó, Đà Nẵng được xem là một trong những tỉnh, thành tiên phong. Trong 2 năm học trước, Đà Nẵng hỗ trợ học phí 100% cho học sinh các cấp.
Chính sách trên tiếp tục duy trì trong năm học 2023 - 2024. Đối tượng áp dụng cụ thể là trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập (cấp THCS, THPT, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông); trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông ngoài công lập.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 408,2 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ học sinh công lập hơn 316 tỉ đồng, hỗ trợ học sinh ngoài công lập hơn 92,2 tỉ đồng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết hỗ trợ học phí là chính sách đặc thù và nhân văn của thành phố. Chính sách này góp phần hỗ trợ người dân có con đang độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học và bỏ học trên địa bàn theo chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng.
Tín hiệu vui
Năm học 2022 - 2023, cả nước có 7 địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh phổ thông gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình. Năm học này, tính đến thời điểm hiện tại, có 5 địa phương miễn, giảm học phí gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Quảng Bình.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhận định việc Quảng Bình và trước đó là một số địa phương khác miễn học phí cho học sinh phổ thông là một tín hiệu vui. "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Việc các địa phương miễn học phí là việc làm rất đáng quý trong giai đoạn khó khăn này, cho thấy sự sẻ chia của lãnh đạo tỉnh, thành với các phụ huynh, học sinh" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận.
Trước băn khoăn liệu có việc học sinh được miễn học phí nhưng phụ huynh phải đóng nhiều khoản thu khác, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng miễn học phí cần đồng bộ với các cơ chế khác. Nhà trường không được phép thu những khoản trái phép dưới mọi hình thức.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng các địa phương cũng cần có chính sách bù học phí cho học sinh ở trường ngoài công lập, bảo đảm thu nhập của giáo viên để hạn chế tối đa việc dạy thêm. "Dù miễn, giảm học phí nhưng vấn đề đầu tư bảo trì trường lớp vẫn cần được chính quyền địa phương lưu tâm để bảo đảm môi trường học tập an toàn" - ông Vinh nhấn mạnh.
TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Hùng mạnh nhờ chăm lo cho giáo dục
Quốc gia nào chăm lo cho giáo dục sẽ là quốc gia hùng mạnh, địa phương cũng vậy. Quảng Bình là một tỉnh chưa phải là giàu so với một số tỉnh, thành khác nhưng quyết định miễn học phí cho tất cả các cấp học ở giáo dục phổ thông rất đáng hoan nghênh và trân trọng.
Khi quyết định miễn học phí, Quảng Bình đã cân đối ngân sách bảo đảm chi bù vào học phí và có thể có những nhà hảo tâm cam kết lâu dài tài trợ cho giáo dục tỉnh. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo Đảng, chính quyền và HĐND cùng nhân dân Quảng Bình cũng phải chắt chiu dành kinh phí cho giáo dục, hạn chế đầu tư vào các công trình không mang lại nhiều hiệu quả.
Y.Anh ghi
Bình Dương nỗ lực không tăng học phí
Tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, vừa qua, HĐND tỉnh này đã chấp thuận với đề xuất không tăng học phí trong năm học mới 2023 - 2024 và giữ nguyên như mức của năm học 2022 - 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề xuất.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng đang trong thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024. Trong đó, sở sẽ đề xuất nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, phù hợp khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Năm học 2023 - 2024, Bình Dương có khoảng 548.000 học sinh. Sức ép trường lớp, giáo viên là rất lớn, các trường cũng cần nhiều khoản thu để tu bổ cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ giáo viên. Do đó việc không tăng học phí của năm học này là sự cố gắng, nỗ lực của địa phương nhằm hỗ trợ học sinh trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, người lao động thất nghiệp, giảm giờ làm.