• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi đất ở làm đường tại Hà Nội nhưng 22 năm chưa có sổ đỏ

Bạn đọc Nguyễn Thị Ngà (Thanh Oai, Hà Nội) đặt câu hỏi về việc cần làm gì khi đổi đất ở cho thôn mở rộng đường những sau 22 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ?

Đổi đất ở làm đường tại Hà Nội nhưng 22 năm chưa có sổ đỏ

Người dân Hà Nội cho biết sau 22 năm đổi đất ở làm đường, họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh minh họa: thanglong.chinhphu.vn

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những giải đáp cho trường hợp này.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, trên thực tế, khó có thể tìm được các từ ngữ trong quy định pháp luật hiện hành quy định chính xác việc điều chỉnh, xử lý, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận việc người dân đổi đất ở cho thôn.

Tuy nhiên pháp luật điều chỉnh quan hệ như trên ở góc độ rộng hơn, bao quát hơn. Theo đó Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã chia ra ba trường hợp xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với:

- Đất có giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, được hướng dẫn tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

- Đất không có giấy tờ theo quy định tại điều 101 Luật Đất đai, được hướng dẫn tại Điều 20, Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

- Đất được giao không đúng thẩm quyền theo quy tại Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Khoản 19, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, khoản 2, điều 18 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT.

"Pháp luật đất đai hiện hành không quy định điều chỉnh các quan hệ trước khi giao đất trái thẩm quyền. Quan hệ đó có thể là đổi đất, bán đất, cho thuê, đấu thầu đất trả tiền như mua đất… các quan hệ dạng này trong đời sống xã hội rất đa dạng pháp luật không thể liệt kê hết.

Pháp luật đất đai hiện nay trong việc giao đất không đúng thẩm quyền chỉ điều chỉnh quan hệ từ khi giao đất. Cấp thôn đổi đất, sau đó thực hiện giao đất đổi cho người dân đủ điều kiện được xếp vào trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền" - Luật sư Quách Thành Lực cho hay.

Theo đó việc giao đất ở, đất khác cho hộ gia đình cá nhân thuộc về UBND cấp huyện. Còn với cấp thôn, đây không phải chủ thể có thẩm quyền giao đất. "Khi xác định đây là trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền thì trường hợp đổi đất của bà Ngà với thôn thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật" - luật sư Lực khẳng định.

Theo Luật sư Lực, thẩm quyền của UBND cấp xã theo quy định của UBND TP Hà Nội chỉ tiến hành các đầu việc như: Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất… Còn Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai mới có thẩm quyền "xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Nội dung này đã được quy định rõ ràng tại Điều 12 Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND được sửa đổi tại Khoản 7 Điều 26 Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Luật sư Lực cũng lưu ý thêm: “Trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đặc biệt với đất giao không đúng thẩm quyền gặp rất nhiều khó khăn do quy định pháp luật về đất đai nhiều, thực tế sử dụng đất kéo dài, thay đổi phức tạp. Do vậy công dân cần có ứng xử, phối hợp chuẩn mực, cùng với cơ quan chức năng cùng chung tay giải quyết những tồn tại kéo dài nhiều chục năm”.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe sự đóng góp của người dân, thực hiện xây dựng, bảo vệ uy tín, cam kết chính trị của chính quyền cơ sở với các hoạt động của tổ dân phố, thôn, bản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết