• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sách tái bản đều, bản lậu vẫn tràn lan trên mạng

Việt Nam nằm trong Top đầu các quốc gia Đông Nam Á xuất bản sách sản lượng lớn hàng năm. Tuy nhiên, nạn sách giả, sách lậu vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa đọc và sự phát triển của ngành xuất bản.

Sách tái bản đều, bản lậu vẫn tràn lan trên mạng

Bộ truyện tranh nổi tiếng một thời “Ninja loạn thị” bị in lậu, sai chính tả được bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Lâm Anh

Sách lậu tràn lan trên mạng

Mê truyện tranh từ lúc còn học cấp 3, anh Tuấn Anh tình cờ thấy quảng cáo về loạt truyện tranh quen thuộc với những người tuổi 8x, 9x trên Facebook. Khi nhắn tin hỏi thăm, anh được chào mời mua bộ truyện “Ninja loạn thị” bản in năm 1997 với lời quảng cáo là truyện mới, đẹp, nguyên bộ 40 tập giá 900.000 đồng. Sau 5 ngày chờ đợi, bộ truyện được ship đến, anh ngã ngửa vì bộ truyện in chất lượng kém, sai chính tả và “100% là sách giả nhái”. “Tôi xem rất kỹ và từ chối mua vì không đạt chất lượng” anh Tuấn Anh cho biết.

Trên Facebook, khi tìm kiếm từ khóa mua bán sách, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên. Trong đó, nhiều đầu sách hot trên thị trường được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 - 80% với lý do “thanh lý”, xử lý hàng tồn...

Nhiều cuốn sách lậu không qua kiểm định chất lượng, lỗi chính tả, chất lượng giấy và mực in kém. Nhưng sách giả giờ đây đã được xử lý tinh vi, in ấn chỉn chu, chất lượng giấy không khác biệt nhiều so với sách thật, bìa sách màu mè sắc nét. Nếu chỉ nhìn qua ảnh trên mạng, bạn đọc khó phân biệt thật giả.

Dù vậy, mức giá hời là yếu tố hấp dẫn nhiều độc giả. Không ít người hào hứng đặt mua cuốn sách mình yêu thích với giá rẻ mà không biết đó là sách lậu. Những đầu sách bán chạy như “Đắc nhân tâm”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “Harry Potter”, “Doraemon”... bị làm giả tràn lan.

Với truyện tranh, việc các ấn phẩm bìa khác nhau theo từng giai đoạn xuất bản, các phiên bản đặc biệt khiến tình trạng mua bán sách cũ diễn ra phức tạp, khó lường. Khi những bản sách cũ đã được thay bìa, bản giới hạn không còn bày bán, những cuốn sách giả trà trộn càng khó phân biệt. Bởi lẽ, người mua không còn bản chính thống để đối sánh.

Nhiều bộ truyện tranh cũ như “Mỹ vị hầm ngục”, “Ninja loạn thị”, “Tokyo Revengers”... được rao bán gấp đôi, gấp ba giá cũ với những lời chào mời như “bản hiếm, còn nguyên seal, giá tốt”.

Chia sẻ với Lao Động, ông Khánh Dương - founder của Comicola - cho biết, với bộ truyện nổi tiếng “Dũng sĩ Hesman”, có người bán giá 30 - 40 triệu đồng/bộ cho những ai muốn sưu tầm. Thế nhưng, trọn bộ 159 tập “Dũng sĩ Hesman” vẫn khan hiếm, khiến giá trị ngày càng tăng.

Khi mua sách trực tiếp, bạn đọc có thể phát hiện những sự khác thường về chất lượng in ấn hay nội dung sách. Thế nhưng khi mua trực tuyến, không dễ dàng để nhận biết sách thật và sách giả. Không chỉ vậy, việc truy vết các tổ chức, cá nhân bán sách lậu trên mạng cũng gặp nhiều khó khăn do tính năng ẩn danh của mạng xã hội. Không chỉ người mua mà chính các nhà xuất bản cũng khốn đốn với nạn sách giả, sách lậu được rao bán tràn lan trên không gian mạng.

Động lực cho ngành xuất bản phát triển lâu dài

Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024, thạc sĩ Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chỉ ra, nhiều người vẫn mua sách rẻ mặc dù biết rằng có thể đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận; những người khai thác, sử dụng sách trên không gian mạng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả.

Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chủ yếu xử phạt hành chính đối với các hành vi phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép, sao chép tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, với mức phạt từ 20 - 35 triệu đồng (Nghị định số 159/2013 và Nghị định số 131/2013).

Ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban Biên tập Truyện tranh NXB Kim Đồng, trao đổi với Lao Động: “Những bộ sách nổi tiếng vẫn được nhà xuất bản tái bản, phát hành đều, được bạn đọc đón nhận. Sách lậu, sách không chính thống tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng vì không tạo doanh thu cho bộ sách, tác giả cũng không được quyền lợi. Dù vậy về cơ bản, độc giả có ý thức cao. Thậm chí, chính bạn đọc là người tuyên truyền, kêu gọi nhau mua sách ủng hộ nhà xuất bản, đó là tín hiệu rất tích cực”.

Trong đợt tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc độc giả thúc đẩy văn hóa đọc bằng cách mua sách có bản quyền. Bạn đọc mua sách thật chính là “động lực cho ngành xuất bản phát triển lâu dài”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết