• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành dệt may Việt Nam: “Xanh hóa” để khẳng định vị thế

Trong bối cảnh các thị trường lớn siết chặt tiêu chuẩn phát triển bền vững, “xanh hóa” không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Từ thay đổi nguyên liệu, công nghệ đến đầu tư điện mặt trời, giảm phát thải carbon, nhiều doanh nghiệp đang chủ động chuyển mình để khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

det-may.jpg

Sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu thân thiện môi trường tại Tổng Công ty May 10 - CTCP.

Xanh từ nguyên liệu tới công nghệ

Cùng với những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm dệt may xuất khẩu, thời gian qua, sản xuất xanh đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững trở thành tiêu chí hàng đầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản... Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, ngành dệt may đã nỗ lực bắt nhịp, đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, triển khai mô hình nhà máy xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và dấu chân carbon, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường...

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sản xuất bền vững, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10) Thân Đức Việt cho biết, xanh hóa trong sản xuất không còn là việc “muốn hay không” mà đã trở thành “yêu cầu bắt buộc”. Nắm bắt xu hướng này, May 10 đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất xanh, bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh... Tiêu biểu là doanh nghiệp đã dành gần 60 tỷ đồng để thực hiện chiến lược xanh hóa, chuyển đổi sản xuất.

“Nếu trước kia, 100% nồi hơi của May 10 sử dụng năng lượng hóa thạch là than thì hiện nay, chúng tôi đang chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo. Kết thúc năm 2024, 90% nồi hơi của May 10 đã sử dụng năng lượng tái tạo. Trong năm nay, chúng tôi sẽ thay đổi toàn bộ thiết bị đốt lò hơi theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, tiến tới giảm khoảng 20.000 tấn carbon thải ra môi trường” - ông Thân Đức Việt thông tin.

Tại May 10, "xanh hóa" sản xuất còn là đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, hướng tới sẽ phủ kín điện mặt trời áp mái trên toàn bộ khối nhà tại các đơn vị, mang đến nguồn điện sạch cho sản xuất... Hiện nay, hệ thống điện năng lượng mặt trời đóng góp công suất 838kWp tại Xí nghiệp May Bỉm Sơn, 999kWp tại Xí nghiệp Veston Hưng Hà, 631kWp tại Xí nghiệp May Hà Quảng. Ngoài năng lượng, May 10 cũng tiên phong phát triển thời trang tuần hoàn, sử dụng vải hữu cơ, giảm thiểu chất thải dệt may.

Tương tự, Giám đốc khu vực sông Hồng, Công ty cổ phần May Sông Hồng Nguyễn Ngọc Khuyên thông tin, để tiến tới sản xuất xanh, doanh nghiệp đã sớm làm việc với khách hàng, nhà cung ứng, tìm hiểu, khai thác các dòng nguyên, phụ liệu phù hợp, trong đó đặc biệt chú ý tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc tái chế. Đồng thời trong quá trình xây dựng nhà máy, May Sông Hồng cũng đặt yếu tố “xanh" lên hàng đầu, sử dụng, khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời, giảm tải điện lưới quốc gia; sử dụng nồi đốt bằng điện thay vì nồi hơi đốt than, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, thị trường thời trang bền vững toàn cầu ước đạt từ 7 - 8 tỷ USD/năm và dự kiến tăng lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030. Do đó, sản xuất sạch, bền vững là “con đường sống còn” của các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, sản xuất xanh, bền vững là tiến trình dài, đòi hỏi nỗ lực của cả doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Bước chuyển “xanh hóa” sản xuất theo ông Thân Đức Việt, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Trước hết, đó là nhận thức về giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn nếu không bắt kịp sẽ bị tụt lại phía sau trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nhân lực cũng như nguồn lực tài chính để đầu tư cho xanh hóa...

“Chúng tôi định nghĩa, sản xuất xanh không chỉ đầu tư về tài chính, nhà xưởng, công nghệ hiện đại... mà phải đầu tư cho nguồn lực con người, do đó phải tăng cường đào tạo để có thể tiếp cận công nghệ tốt nhất” - ông Thân Đức Việt nêu.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay, để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn 2031 - 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Giải pháp chính của ngành là tiếp tục đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Đáng chú ý là việc thu hút các dự án dệt, nhuộm, hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...

“Đưa sản phẩm tuần hoàn vào lĩnh vực dệt may là điều bắt buộc, vì thế Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt chuẩn mực của các nhãn hàng về môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo...” - ông Vũ Đức Giang nêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện 80% trong tổng số 7.000 doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại rất hạn chế, do đó cần có nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, vay lãi suất chỉ 0 - 2%/năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ theo cam kết COP 26.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...