• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành thép phân hóa mạnh, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu nào?

Cầu nội địa bứt tốc, đầu tư công tạo lực đẩy mới, nhưng ngành thép đang phân hóa mạnh. HPG tăng tốc dẫn đầu, trong khi nhiều cổ phiếu khác có dấu hiệu “hụt hơi”.

Cầu nội địa bứt phá, chính sách bảo hộ hỗ trợ ngành Thép

Báo cáo mới nhất từ SSI Research cho thấy, trái ngược với xu hướng giảm trên thị trường toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 10%, thép dẹt tăng 3% và thép cuộn cán nóng (HRC) tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả từ ba lực đẩy quan trọng: đầu tư công tăng mạnh, thị trường bất động sản phục hồi và dòng vốn FDI duy trì ổn định.

Giá giao ngay thép cuộn cán nóng (HRC) của Việt Nam tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá giao ngay thép cuộn cán nóng (HRC) của Việt Nam tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm, tổng giá trị giải ngân đầu tư công đạt khoảng 10,1 tỷ USD, tương đương 32% kế hoạch năm, cao hơn so với mức 29% của cùng kỳ 2024.

Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai đồng loạt như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay quốc tế Long Thành đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tăng đáng kể. Song song, thị trường bất động sản phát đi tín hiệu tích cực với lượng căn hộ bán ra trong năm 2024 tăng tới 120%, đi cùng làn sóng mở bán mới tăng 91%.

Dư địa đầu tư tiếp tục mở rộng khi vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm tăng 32,6%, còn vốn giải ngân tăng 8,1%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, chính sách bảo hộ được triển khai kịp thời cũng góp phần hỗ trợ ngành thép nội địa. Đầu tháng 7, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực trong vòng 5 năm. Trước đó, thuế tạm thời cũng đã được áp dụng đối với mặt hàng tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu mà còn bảo vệ biên lợi nhuận cho doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm gần 31% vì rào cản thương mại từ Mỹ và EU.

Về phía cung, các doanh nghiệp ngành thép còn được hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Giá quặng sắt, than luyện cốc và thép phế liệu lần lượt giảm 6%, 15% và 16% kể từ đầu năm, trong khi giá bán thép nội địa vẫn ổn định. Điều này giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất khép kín, đặc biệt là những đơn vị vận hành lò cao như Tập đoàn Hòa Phát.

Hòa Phát dẫn đầu triển vọng, nhóm tôn mạ đối mặt áp lực dư cung

Trong bức tranh tích cực của ngành thép nửa cuối năm, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đang nổi lên như điểm sáng lớn nhất. SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ tăng 63% trong năm 2025, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng, giá đầu vào giảm và năng lực sản xuất mở rộng.

Hiện HPG nắm giữ 38,8% thị phần thép xây dựng cả nước, đồng thời đang vận hành giai đoạn 1 của tổ hợp Dung Quất 2 ở mức công suất tối đa. Giai đoạn 2 dự kiến đi vào hoạt động trong quý III năm nay sẽ tiếp tục gia tăng quy mô và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Kênh tiêu thụ nội địa có thể duy trì tăng trưởng tích cực nhờ thị trường bất động sản phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.

Kênh tiêu thụ nội địa có thể duy trì tăng trưởng tích cực nhờ thị trường bất động sản phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.

Với mô hình sản xuất tích hợp, kiểm soát tốt chi phí và năng lực cạnh tranh vượt trội, Hòa Phát được SSI Research đánh giá là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong ngành, đưa ra khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 27.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20,8% so với giá đóng cửa ngày 4/7.

Tuy nhiên, bức tranh ngành vẫn tồn tại sự phân hóa đáng kể. Một số doanh nghiệp nhóm tôn mạ như Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) đang phải đối mặt với rủi ro dư cung trong nước. Với tổng nhu cầu tiêu thụ tôn mạ nội địa năm 2024 đạt khoảng 8 triệu tấn, việc mở rộng công suất lên đến 8,7 triệu tấn/năm có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt, khiến biên lợi nhuận bị co hẹp. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn gặp khó do các rào cản thương mại chưa được tháo gỡ.

Về dài hạn, các chuyên gia SSI Research vẫn duy trì cái nhìn tích cực với ngành Thép trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và bất động sản phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi sẽ phụ thuộc lớn vào vị thế cạnh tranh, chiến lược phát triển và năng lực quản trị của từng doanh nghiệp. Trong môi trường nhiều biến động, cơ hội đầu tư sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có mô hình tích hợp, hiệu quả sản xuất cao và năng lực tài chính vững chắc – những yếu tố mà Hòa Phát đang sở hữu vượt trội trong toàn Ngành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...