OCOP không còn chỉ giới hạn ở sản phẩm nông sản
Không chỉ tập trung vào nông sản, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TPHCM đang được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như thực phẩm chế biến, đồ uống, dược liệu và cả dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch.
Nhiều sản phẩm OCOP TPHCM được giới thiệu với người dân và du khách. Ảnh: Ngọc Lê
Giữ vững chất lượng, mở rộng thị trường
Trong hành trình nâng tầm giá trị nông sản và sản phẩm đặc trưng của TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới, đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Theo bà Điền Ngọc Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Sống khỏe, đơn vị sở hữu sản phẩm nước ép tỏi đen Mộc Đan, việc sản phẩm đạt OCOP 4 sao là niềm tự hào và là minh chứng rõ nét cho chất lượng mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng.
“Chúng tôi xác định rõ chiến lược giữ vững chất lượng, không ngừng cải tiến và nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm mới từ tỏi đen kết hợp với thảo mộc” - bà Tuyết chia sẻ. Cũng theo bà, mục tiêu tiếp theo của doanh nghiệp là mở rộng hệ thống phân phối đến siêu thị, nhà thuốc, kênh thương mại điện tử và đặc biệt là tiếp cận thị trường quốc tế.
Tương tự, sản phẩm thịt heo thảo mộc Sagri Food của Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Nam Phong (thuộc Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn) cũng đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Xí nghiệp - cho biết, đây là kết quả của một quá trình dài nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Chúng tôi đã đưa cán bộ ra nước ngoài học tập. Dựa trên nền tảng chăn nuôi khép kín, chủ động nguồn thức ăn an toàn, sản phẩm được tạo ra không chỉ đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, mà còn giúp nâng cao uy tín trên thị trường” - ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông, chứng nhận OCOP không chỉ là yếu tố khẳng định thương hiệu mà còn tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
OCOP tạo động lực cho phát triển nông nghiệp đô thị
Ở lĩnh vực sinh vật cảnh, ông Phan Thành Tâm - Giám đốc Công ty Tân Thành Tâm Việt Nam - cho hay, dòng cá cảnh Betta do trang trại của ông phát triển đã được công nhận đạt OCOP 3 sao, đạt chuẩn xuất khẩu.
“Từ khi được xếp hạng OCOP, hoạt động kinh doanh của chúng tôi ổn định hơn, đồng thời nhận được nhiều hỗ trợ từ các cơ quan chức năng” - ông Tâm chia sẻ.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực đầu tư và sáng tạo của trang trại với dòng cá đặc trưng này.
Thời gian tới, doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các dòng cá Betta mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và duy trì nguồn cung ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã từng bước triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) rộng khắp. Đến tháng 6.2025, đã có 419 sản phẩm OCOP của 155 chủ thể được công nhận, trong đó có 312 sản phẩm đạt 3 sao và 107 sản phẩm đạt 4 sao. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn chưa có sản phẩm OCOP 5 sao được Trung ương công nhận.
“Sản phẩm OCOP của TPHCM hiện nay không chỉ giới hạn trong nông sản hay thủ công mỹ nghệ, mà đã mở rộng ra các nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” - ông Dũng thông tin.
Dù vậy, ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sản phẩm OCOP của TPHCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh TPHCM hợp nhất với một số địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để thành phố phát huy lợi thế liên kết vùng, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm hướng đến chuẩn 5 sao quốc gia và quốc tế.