Làm lợi hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp
Tuổi đời còn khá trẻ nhưng kỹ sư Trần Đức Lộc đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng ngàn tỉ đồng cho nơi làm việc.
Trong số 54 gương điển hình vừa được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc lần thứ XIV, anh Trần Đức Lộc (sinh năm 1991), kỹ sư sản xuất Công ty TNHH East West Industries Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore II, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được đánh giá cao bởi tinh thần đam mê sáng tạo.
Như cá gặp nước
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm 2015, anh Lộc đã có hơn 6 năm làm việc tại 2 công ty khác nhau. Trong khoảng thời gian này, Lộc nhận ra rằng môi trường làm việc không giúp anh phát huy được năng lực chuyên môn, nhất là đối với một người đam mê cải tiến máy móc, quy trình sản xuất như anh. "Còn trẻ nên tôi rất muốn khẳng định mình, song thực tế lại không cho phép. Tôi sợ mình sẽ trở thành cái máy, đến công ty làm việc cho hết giờ, kiến thức học được sẽ mai một theo năm tháng" - Lộc tâm sự.
Thông qua "mai mối", Lộc quyết định xin về Công ty TNHH East West Industries Việt Nam làm việc. Khởi đầu chỉ là nhân viên kỹ thuật, nhờ môi trường làm việc của Công ty TNHH East West Industries Việt Nam luôn tạo điều kiện cho lao động phát huy sáng kiến nên Lộc "như cá gặp nước". Và cũng từ đây, Lộc trở thành "cây sáng kiến" số 1 của công ty.
Trong số hàng trăm sáng kiến đã thực hiện, Lộc tâm đắc nhất với sáng cải tiến quy trình sản xuất xe đạp tập GYM. Lộc chia sẻ: Khi khách yêu cầu cung cấp sản phẩm với số lượng lớn trong thời gian ngắn, công ty thường rơi vào thế bị động. Qua theo dõi, Lộc phát hiện một số bất cập trong quy trình sản xuất. Từ đó, anh đề xuất ban giám đốc cải tiến quy trình này, từ công đoạn lắp ráp đến kiểm tra và đóng gói.
Với phương án do Lộc đưa ra, công nhân (CN) sẽ loại bỏ các thao tác thừa trong quy trình lắp ráp, nhờ đó giảm thời gian thao tác. Chưa dừng lại, Lộc mạnh dạn đề xuất công ty loại bỏ các công đoạn kiểm tra không phù hợp đến đặc tính của sản phẩm. Với sáng kiến này, năng lực sản xuất của công ty tăng từ 100 lên 200 chiếc/ngày, lợi nhuận mỗi tháng hơn 95 tỉ đồng (khoảng 1.150 tỉ đồng/năm).
Một sáng kiến khác của Lộc được nhiều đồng nghiệp nhắc đến là cải tiến quy trình sản xuất máy massage mặt. Qua quan sát, Lộc nhận thấy do CN thao tác chưa chuẩn nên bề mặt sản phẩm bị ảnh hưởng. Từ thực tế này, Lộc đề xuất toàn bộ CN ở khâu này phải mang bao tay và không đeo trang sức khi làm việc. Đồng thời, Lộc cũng đề xuất cải tiến thiết bị kiểm tra báo lỗi sản phẩm. Chỉ với 2 ý tưởng này của Lộc, năng lực sản xuất máy massage mặt tăng từ 140 chiếc lên 170 chiếc/giờ, lợi nhuận mỗi tháng gần 54 triệu đồng (hơn 650 triệu đồng/năm).
Kỹ sư Trần Đức Lộc với công việc thường ngày của mình tại nhà máy
Nỗ lực không ngừng
Nhắc đến Trần Đức Lộc, nhiều kỹ sư, CN tại Công ty TNHH East West Industries Việt Nam đều nể trọng, bởi anh luôn dành nhiều thời gian để kèm cặp thợ trẻ. Dưới sự hướng dẫn của Lộc, nhiều CN đã có sự trưởng thành vượt bậc về tay nghề.
Là kỹ sư quản lý sản xuất nên Lộc hiểu rất rõ những khó khăn mà anh em CN đối diện trong quá trình làm việc, nhất là CN mới vào nghề. Do vậy, khi họ có thắc mắc, anh luôn tận tình giải đáp. Cái hay của Lộc là hiểu được mức độ tiếp thu của từng CN, từ đó có cách hướng dẫn phù hợp để họ sớm thích nghi. Trường hợp ông Trần Văn Chung (42 tuổi) là ví dụ.
Dù có thâm niên làm việc nhưng do lớn tuổi nên mức độ tiếp thu của ông Chung bị hạn chế. Thế nhưng, nhờ được Lộc dìu dắt, ông Chung đã tiến bộ từng ngày, từ một chuyền trưởng đã trở thành quản lý xưởng. "Làm việc với Lộc tôi mở mang được rất nhiều kiến thức. Lộc luôn chỉ ra cho tôi biết đâu là hạn chế để khắc phục cũng như điểm mạnh để phát huy. Cách Lộc hướng dẫn rất dễ hiểu nên tôi đã dần thay đổi tư duy" - ông Chung nhận xét.
Theo ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng Phòng Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH East West Industries Việt Nam, Lộc chính là tiêu biểu cho ý chí, sự cố gắng vươn lên. Từ một nhân viên bình thường, sau hơn 2 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, Lộc đã được đề bạt lên vị trí giám sát sản xuất.
Những sáng kiến của Lộc không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, mà còn tạo ra nhiều việc hơn cho 1.100 CN trong nhà máy, giúp họ tăng thu nhập rõ rệt. Đó cũng là thành quả từ phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" được Công đoàn cơ sở phát động. Từ phong trào này, hằng năm, có hàng trăm, hàng ngàn sáng kiến của người lao động gửi lên công ty. "Công ty luôn tạo điều kiện để những người có năng lực như Lộc phát huy tinh thần sáng tạo. Ai có ý tưởng tốt và làm lợi cho DN đều được đề bạt lên vị trí quản lý với chế độ đãi ngộ tốt" - ông Lực nói.