• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự thật về thông tin nước ion kiềm chữa bách bệnh

Nước ion kiềm được quảng cáo với nhiều lợi ích sức khỏe như giúp trung hòa axit, cải thiện hệ tiêu hóa và thậm chí hỗ trợ điều trị bệnh tật. Dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo rằng, việc sử dụng nước kiềm để chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học vững chắc, nhưng nhiều người bệnh vẫn quyết định thử nghiệm và gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Sự thật về thông tin nước ion kiềm chữa bách bệnh

Các bác sĩ kiểm tra phim chụp não xem xét những tổn thương của bệnh nhân 67 tuổi nguy kịch vì uống nước kiềm chữa bệnh. Ảnh: Nguyên Hà

Tưởng nước kiềm là thần dược, nhận cái kết đắng

Cơ quan chức năng đã từng vào cuộc và xử lý "thần y" Nguyễn Tiến Nam ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) tự nhận có thể chữa bách bệnh, kể cả bệnh nan y bằng nước kiềm, cấm bệnh nhân ăn uống thực phẩm khác, không dùng thuốc Tây và bán máy lọc nước ion kiềm giá 15-20 triệu đồng/máy.

Thực tế, ông Nam vốn là thợ sửa chữa đồ điện, không có bằng cấp y khoa hay giấy phép khám chữa bệnh. Khoảng một năm qua, ông đăng hàng trăm clip tuyên bố chữa khỏi mọi bệnh bằng nước kiềm, thu hút nhiều bệnh nhân tìm đến. Ông công khai phủ nhận y học hiện đại, khẳng định nước kiềm của mình là phương án cứu sống bệnh nhân.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Tiến Nam chữa bệnh trái phép tại nhà, không có bằng cấp hay giấy phép hoạt động. UBND huyện Thanh Oai đã xử phạt hành chính 80 triệu đồng, đình chỉ cơ sở 18 tháng và yêu cầu tháo gỡ toàn bộ quảng cáo vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn sử dụng và tin rằng loại nước này có thể chữa bách bệnh, thậm chí cả ung thư như lời quảng cáo. Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp nguy kịch vì tin thầy lang trên Facebook, uống nước kiềm chữa bệnh.

Một nữ bệnh nhân 67 tuổi mắc Basedow đã tự ý bỏ thuốc bác sĩ kê, chuyển sang uống nước kiềm theo hướng dẫn của một thầy lang ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, dẫn đến hôn mê nguy kịch. Đáng chú ý, cơ sở này từng bị cảnh báo vì nhiều ca bệnh nặng sau khi chữa bệnh tại đây.

Bệnh nhân bắt đầu uống nước kiềm pha từ máy lọc và muối từ chiều 14.3.2025, nhịn ăn, chỉ uống nước mỗi khi đói hoặc khát. Đến rạng sáng 16.3.2025 người bệnh bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tăng natri máu, bão giáp nặng.

Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bão giáp, hôn mê sau hạ đường huyết, viêm gan, viêm phổi, Basedow. Dù được hồi sức tích cực, bà vẫn hôn mê sâu sau 3 ngày điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Huy Tiến, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị theo phác đồ, tình trạng sức khỏe đã có thể được kiểm soát. Việc bỏ thuốc để theo phương pháp phản khoa học khiến bệnh chuyển nặng, đe dọa tính mạng”.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh cũng dùng cách uống một loại nước được giới thiệu là nước kiềm để chữa bệnh. 3 bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, được giới thiệu nên tự ngừng chạy thận, xuống huyện Thanh Oai uống nước kiềm. Ngày uống 6 lít nước, nhịn ăn hoàn toàn trong 15 - 20 ngày. Các bệnh nhân này chỉ uống khoảng 2 - 3 ngày, bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngay cả khi uống quá nhiều nước lọc cũng có thể gây nguy hiểm, dẫn đến phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong. Với nước kiềm, nguy cơ càng cao khi làm rối loạn pH máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa, loạn nhịp tim, liệt cơ, suy giảm enzym và có thể tử vong.

Dạ dày có độ a xít pH 1,5 - 3,5 giúp tiêu diệt vi khuẩn từ thực phẩm. Uống quá nhiều nước làm loãng dịch vị, giảm khả năng bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập sâu hơn vào đường tiêu hóa.

Chưa có bằng chứng khoa học nước kiềm chữa bệnh

Hiện nay, nhiều loại nước được quảng cáo sai sự thật với công dụng chữa bách bệnh, khiến người dân lầm tưởng và áp dụng theo mà không có cơ sở khoa học, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Khi nghi ngờ bệnh, cần đến cơ sở y tế để thăm khám thay vì tin theo những thông tin thiếu kiểm chứng.

"Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào xác nhận rằng, uống nước kiềm có thể ngăn ngừa hay điều trị bệnh. Việc tin tưởng mù quáng vào những thông tin chưa được kiểm chứng không chỉ khiến người tiêu dùng tốn kém tiền bạc mà còn có thể làm chậm trễ việc tiếp cận phương pháp điều trị y tế chính thống. Cần tỉnh táo và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi đưa ra lựa chọn liên quan đến sức khỏe. Việc quảng cáo sai về chuyên môn, phản khoa học có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn", BS Nguyên nhấn mạnh.

Quảng cáo sai sự thật về nước kiềm chữa bệnh đang đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ cảnh báo, người dân không nên tin vào những phương pháp phản khoa học mà cần điều trị tại cơ sở y tế uy tín.

Nước kiềm (pH 8 - 9,5) thường được tạo ra qua lọc nước hoặc điện phân, được cho là giúp giải độc, cân bằng axit và ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã cảnh báo về rủi ro khi dùng nước kiềm như một liệu pháp chữa bệnh. Nhiều người tin theo quảng cáo, không chỉ không khỏi bệnh mà còn gặp biến chứng như loạn kiềm toan, rối loạn điện giải, suy thận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...