Sự thật về ảnh hưởng của thịt trâu đến sức khoẻ thận
Việc ăn nhiều thịt đỏ, bao gồm cả thịt trâu, có thể làm tăng tốc độ tiến triển của suy thận mãn tính.
Tiêu thụ quá nhiều thịt trâu trong các dịp lễ, tiệc tiềm ẩn rủi ro lâu dài đối với bệnh suy thận mãn tính. Ảnh: Hà Anh
Thịt trâu được quảng bá là loại thịt đỏ lành mạnh hơn nhờ hàm lượng chất béo thấp, giàu sắt, kẽm và protein.
Tuy nhiên, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, không có loại thịt đỏ nào, bao gồm cả thịt trâu, hoàn toàn vô hại với sức khỏe nếu sử dụng không hợp lý.
Tiêu thụ thường xuyên thịt đỏ, dù là nạc hay ít béo, vẫn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là ung thư và bệnh tim mạch. Một phần nguyên nhân đến từ các hợp chất sinh ra trong quá trình nấu nướng ở nhiệt độ cao (như nướng, chiên) và các gốc tự do ảnh hưởng tới tế bào.
Không tốt cho người bệnh tim mạch, thận
Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, thịt đỏ chứa nhiều purin, cholesterol và protein động vật khó chuyển hóa, gây áp lực lên gan, thận, đặc biệt với những người có bệnh nền.
Việc ăn nhiều thịt đỏ, bao gồm cả thịt trâu, có thể làm tăng tốc độ tiến triển của suy thận mãn tính, đồng thời làm giảm hiệu quả của quá trình lọc máu. Người có vấn đề về thận được khuyến cáo nên hạn chế hoặc thay thế thịt đỏ bằng cá, trứng, đạm thực vật.
Các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế đều khẳng định ăn thịt đỏ không xấu nếu sử dụng điều độ và kết hợp với chế độ ăn cân bằng, nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ quá nhiều thịt trâu trong các dịp lễ, tiệc hoặc theo quan niệm "bổ thận, tráng dương" là thiếu cơ sở khoa học và tiềm ẩn rủi ro lâu dài.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị: Không ăn quá 500g thịt đỏ đã nấu chín mỗi tuần. Ưu tiên các nguồn đạm thay thế như cá, đậu, trứng. Không nướng, chiên ở nhiệt độ quá cao, tránh sinh độc tố.