Mỗi ngày có 4.000 - 4.900 người đến khám ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM
Thông tin trên được TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM phát biểu tại hội thảo Phòng chống ung thư do bệnh viện tổ chức ngày 5-12.
BS Tuấn cho biết theo số liệu của Global 2022, vừa được công bố vào đầu tháng 3-2024, trên toàn thế giới có 19,9 triệu người mắc ung thư với 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 180.000 ca mắc mới ung thư và 120.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư hiện đang là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, trong năm 2024, bệnh viện tiếp nhận hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám. Số ca mắc mới trong năm 2024 ước tính hơn 41.000 ca, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỉ lệ cao nhất, với 23%.
Theo BS Tuấn, kể từ khi tiếp nhận cơ sở 2 vào tháng 3 năm 2020, bệnh viện đã có một cơ sở mới, rộng rãi, khang trang với diện tích lớn hơn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Số lượng bệnh nhân đến khám tại cơ sở 2 đã tăng lên đáng kể. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 4.000-4.900 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 1.000 bệnh nhân yêu cầu khám các chuyên khoa như xạ trị và điều trị nội khoa.
Đáng chú ý, là số lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khác đến khám đã tăng mạnh. Trước đây, khoảng 75% bệnh nhân là từ các tỉnh, nay con số này đã lên đến 80-81%, với nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh xa như Bình Phước, Đắk Lắk, hoặc Khánh Hòa.
Trước tình hình quá tải, TP HCM đang nỗ lực tăng cường nhân lực và mở rộng không gian cơ sở vật chất để có thể đón tiếp bệnh nhân một cách chu đáo hơn. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân đến khám quá lớn, hiện tại vẫn có một thời gian chờ, mặc dù bệnh viện đã cố gắng cải thiện quy trình đăng ký và hẹn lịch khám qua tổng đài và các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến.
Ngoài ra, TP HCM cũng đang phối hợp với các bệnh viện ung bướu tại các tỉnh để tăng cường năng lực điều trị, giảm tải cho các cơ sở y tế tại thành phố. Mục tiêu không chỉ giảm bớt áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối mà còn nâng cao chất lượng điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết ung thư hiện là một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống y tế toàn cầu và tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư đang có chiều hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ tập trung vào điều trị mà còn phải chú trọng đến các hoạt động phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc giảm nhẹ.
Theo BS Dũng, TP HCM luôn xác định phòng chống ung thư là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành y tế. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống ung thư, bao gồm việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài thành phố để mở rộng mạng lưới phòng chống ung thư vùng.
Cùng với đó, TP cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chuyên sâu, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, đồng thời tiếp tục phát triển công nghệ y tế số trong quản lý và điều trị ung thư. Những nỗ lực này nhằm tối ưu hóa quy trình điều trị và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Hội nghị phòng chống ung thư lần thứ 27 năm 2024, đã trở thành một diễn đàn uy tín, thu hút sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu, cùng với hơn 100 báo cáo, trong đó có nhiều báo cáo của các chuyên gia quốc tế. Hội thảo không chỉ giúp các y bác sĩ cập nhật những kiến thức và phương pháp điều trị tiên tiến nhất, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác và ứng dụng các tiến bộ trong y học hiện đại.