• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dịch sởi căng thẳng, cảnh báo lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế

Dịch bệnh sởi đang gia tăng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện.

Dịch sởi căng thẳng, cảnh báo lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Nhiều ca mắc sởi do chưa tiêm vaccine

Bé gái 2 tuổi mắc sởi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có bệnh lý bẩm sinh phức tạp, tắc ruột nhiều lần, đã được mổ, đặt hậu môn nhân tạo ở cơ sở y tế khác. Hiện tại, trẻ vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Hà Nội - cho biết: Đây là một trong số những bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị nội trú do mắc sởi. Hầu hết bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, một số bệnh nhân viêm phổi biến chứng nặng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở ôxy, thở máy xâm nhập và không xâm nhập.

Một số trẻ trong tình trạng nặng có bệnh nền như bệnh teo cơ tủy, suy dinh dưỡng, bệnh down và bệnh lý mãn tính khác...

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, đa phần bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa là các cháu bé dưới 2 tuổi, nhiều nhất là dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine. Bệnh nhi bị phơi nhiễm trực tiếp và gián tiếp với sởi. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mắc sởi ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm vaccine phòng sởi nhưng chưa đầy đủ.

Bệnh nhân H.M.D, 15 tuổi, ở Cao Bằng. Chị N.T.H (mẹ bệnh nhân) cho biết: “Gần 1 tuần trước, con tôi có biểu hiện bị sốt cao liên tục gần 40 độ, sưng hạch hai bên hàm, ăn uống kém nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Khi có kết quả dương tính với sởi, con được chuyển đến Bệnh viện Nhi Hà Nội để điều trị”.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội - Trưởng khoa Truyền nhiễm - cho biết: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh có khả năng gây dịch do virus sởi gây nên. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận gần 300 ca mắc sởi điều trị nội trú và hơn 100 ca mắc sởi điều trị ngoại trú. Hiện tại, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 36 bệnh nhân mắc sởi.

Việc chống lây nhiễm trong bệnh viện cần được thực hiện ngay

Thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 25.3, toàn thành phố có 1.202 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 1.058 trường hợp mắc sởi xác định. Bệnh nhân mắc sởi ghi nhận tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, 328 xã phường thị trấn.

Hiện tại có hơn 200 bệnh nhân mắc bệnh sởi đang được điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài công lập, trong đó, 52 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, 44 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, 20 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn có 18 bệnh nhân, Bệnh viện Nông nghiệp 11 bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông 10 bệnh nhân…
Công tác kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện được các cơ sở y tế tăng cường.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) - cho rằng: Để ứng phó với dịch sởi, cần nâng cao miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vaccine phòng bệnh sởi một cách đầy đủ, đúng đối tượng, quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là ở những địa bàn di biến động dân cư, khó tiếp cận, chủ động phát hiện vùng lõm, tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung kịp thời.

Một trong những yếu tố quan trọng là chống lây nhiễm trong cộng đồng thông qua vận động tiêm chủng, hướng dẫn phòng bệnh, tự theo dõi sức khỏe.

Vị chuyên gia này cảnh báo cần cấp bách chống lây nhiễm trong bệnh viện: “Việc chống lây nhiễm trong bệnh viện cần được thực hiện ngay với việc kiểm soát ca bệnh sởi nhập viện qua phân luồng, chẩn đoán sớm và chính xác, hạn chế người nhà/người chăm sóc tiếp xúc với ca bệnh, cách ly và điều trị…”.

Trước nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi, Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo. Các đơn vị phải phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị hợp lý, hạn chế tối đa tử vong và sẵn sàng ứng phó nếu số ca nhập viện gia tăng. Đồng thời, cần bố trí khu sàng lọc, điều trị cách ly hiệu quả và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sởi đang gia tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong quý I/2025, cao hơn cùng kỳ năm 2024, kèm theo một số ca tử vong. Trước tình hình này, bộ đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm bệnh sởi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...