Thách thức khi AI gia tăng ở phim Hàn Quốc
AI (trí tuệ nhân tạo) gây chú ý khi liên tiếp xuất hiện ở phim Hàn Quốc.
Thời gian qua, Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng của AI trong sản xuất phim truyền hình. Ngày 4.12, phim Hàn Quốc sử dụng AI - "Kiss Lighting - Ghost Cupid" sẽ được phát hành.
Trước đó, chương trình "Meet You 4" của MBC hay các phim "Nghịch lý kẻ sát nhân", "Chào mừng đến Samdalri"... cũng được chú ý khi sử dụng deepfake (công nghệ sử dụng AI, lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác).
Bên cạnh đó, vào tháng 4, đài truyền hình MBC C&I đã khởi động một chương trình để lựa chọn 12 nhà sáng tạo mới và phát triển phim truyền hình bằng công nghệ AI tạo sinh và công nghệ thực tế mở rộng (XR).
Trong đó, 9/12 phim đã được sản xuất dưới dạng tập thử nghiệm và được chiếu cho khách mời tại "Prompt: Next Drama Screening Day" vào tháng 10. Những tập thử nghiệm này sau đó đã được trình chiếu tại Lễ hội nội dung AI 2024.
Korea Times cho biết, một trong những lợi thế lớn nhất của việc sử dụng AI trong sản xuất phim là giảm đáng kể thời gian và chi phí, giúp bất kì ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo phim hoặc phim truyền hình.
Theo Jung In Su - nhà sản xuất tại Kings Creative, AI đơn giản hóa đáng kể các quy trình từng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Như trước đây, việc thay đổi khuôn mặt của ai đó trên màn hình phải mất nhiều đêm để dựng hình và tỉ mỉ làm sạch da. Tuy nhiên, với AI, bạn có thể dễ dàng thử nghiệm các tùy chọn khác nhau để đạt được kết quả mong muốn.
Chưa kể việc tạo ra hàng loạt hình minh họa bằng AI có chi phí chưa đến 100.000 won (72 USD) mỗi tháng, so với mức 200.000-300.000 won thường được tính cho một hình minh họa do con người tạo ra.
Còn Yang Eek Jun - nhà sản xuất tại Mateo AI Studio, đơn vị đã giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim AI quốc tế Hàn Quốc lần thứ nhất năm nay với bộ phim "Mateo", cho biết: "Chúng ta đã bước vào kỉ nguyên mà những người sáng tạo có thể thoát khỏi những ràng buộc về vốn và công nghệ nhờ AI.
Nếu bạn tự bỏ tiền túi ra làm một bộ phim ngắn và nó không được tham gia liên hoan phim hoặc không thu hút được sự chú ý, thì bất kể đam mê của bạn là gì, bạn cũng phải nghỉ ngơi một hoặc hai năm, đơn giản vì nó tốn rất nhiều tiền.
Nhưng khi AI đã xuất hiện, chúng ta có thể làm phim tại nhà chỉ bằng thời gian và công sức.
Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong một kỉ nguyên tuyệt vời khi có thể làm phim bất cứ khi nào chúng ta muốn và sau đó lại cạnh tranh. Trên thực tế, đối với những người sáng tạo nội dung, tôi nghĩ điều này quan trọng hơn việc AI thống trị nhân loại".
Dù AI giúp con người tạo ra những hình ảnh và video mà trước đây con người không thể tưởng tượng được, nhưng Yang Eek Jun nhấn mạnh, việc kể chuyện hấp dẫn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với các bộ phim nói chung, và phim Hàn Quốc nói riêng.
Lí do vì nội dung do AI tạo ra thường không duy trì được sự tương tác của khán giả sau phút đầu tiên.
"Với khoảng chú ý giảm nhanh như vậy, chúng tôi tự hỏi liệu mình có thể duy trì được sự quan tâm của người xem trong toàn bộ một bộ phim dài 80 phút hay không. Đây là thách thức lớn nhất và là một ranh giới mới đối với chúng tôi" - Yang nói thêm.
Phần khác, làm phim AI cũng phải đối mặt với vấn đề bản quyền, khi các nhà làm phim vô tình vi phạm các tác phẩm hiện có.
Theo luật sư Lee Seung Ki của Lee & Law Partners, để tránh những rủi ro, các công ty AI có thể yêu cầu hợp đồng nêu rõ quyền sở hữu trí tuệ trước khi cấp phép công nghệ của họ cho sản xuất phim và kịch.
Hơn nữa, quan hệ đối tác giữa các công ty AI và nhà sản xuất phim có thể được thiết lập để chia sẻ lợi nhuận do các công cụ sản xuất được tối ưu hóa bằng AI tạo ra.