Tắt sóng 2G, nhà mạng bù 200.000 máy 4G cho bà con
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi tắt sóng 2G, các nhà mạng "bù" khoảng trên 200 nghìn máy 4G cho bà con “rất nhẹ nhàng”.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 12.11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đánh giá cao những biện pháp mà các cơ quan chức năng cùng nhà mạng thực hiện để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau khi tắt sóng 2G.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khu vực còn chưa tiếp cận được sóng 4G.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn cho vấn đề này, đặc biệt là giải pháp toàn diện để ứng phó với tình huống khẩn cấp khi hạ tầng viễn thông bị phá hủy nặng nề, điển hình như sau cơn bão số 3 vừa qua.
Đại biểu nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan về thời tiết có thể thường xuyên xảy ra.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, khi tắt sóng 2G, vấn đề đặt ra là bà con đang dùng máy 2G thì ai sẽ đưa cho bà con máy 4G?
Theo bộ trưởng, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải bù, nhà mạng phải cầm máy công nghệ mới đưa cho bà con.
Bộ trưởng thông tin, ở các nước, khi nào công nghệ cũ 2G còn dưới 2% dân số dùng thì quốc gia quyết định dừng công nghệ đó và các nhà mạng phải hỗ trợ 2% người dân còn lại này.
“Do chúng ta công bố sớm, làm truyền thông tốt, nên đến lúc dừng mạng 2G (ngày 15.10) thì chỉ còn 0,2% người dùng 2G, tương đương khoảng trên 200.000 máy 2G. Các nhà mạng rất nhẹ nhàng khi bù máy cho bà con” - bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với công nghệ 2G; đồng thời có chính sách khu vực nào sóng bị “lõm” thì còn "bù" thêm.
Về vấn đề kiên cố hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, bộ trưởng cho biết, trước đây, do miền Trung xảy ra nhiều bão lũ nên Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo kiên cố hóa ở miền Trung.
Hiện nay, do đã có kinh nghiệm nên sẽ triển khai kiên cố hóa rất nhanh hạ tầng ở miền Bắc để đề phòng các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra…