• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chuyển động tích cực từ chuyển đổi số

Bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy, quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện Cách mạng chuyển đổi số, đồng thời cũng đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại: “Phương thức sản xuất số”.

Những chuyển động tích cực từ chuyển đổi số

Ứng dụng chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ điểm sáng Đề án 06

Chị Thu Minh, 55 tuổi, một viên chức sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bị bệnh mãn tính nhiều năm nay. Mỗi tháng, chị phải đến thăm khám, lấy thuốc ở Bệnh viện Xanh Pôn một lần. Nỗi ám ảnh của chị Minh là việc phải xếp hàng lấy số, đợi hàng tiếng đồng hồ để chờ khám. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi chị sử dụng ứng dụng VNeID trên ứng dụng điện thoại thông minh để đăng ký và làm các thủ tục.

“Tôi không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà việc ứng dụng công nghệ trong đời sống thực sự mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm mới. Tôi không phải xếp hàng chờ lượt, việc thăm khám cũng đơn giản tiện lợi hơn rất nhiều” - chị Minh chia sẻ.

Điểm sáng trong chuyển đổi số dễ thấy nhất trong hơn 2 năm qua chính là việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 còn gọi là Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì.

Giá trị hiệu quả của Đề án 06 đã mang lại hiệu quả từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Tác động của chuyển đổi số mang lại những chuyển động tích cực đối với đời sống xã hội, làm thay đổi những thói quen hằng ngày của mỗi người dân. Đó là việc không phải rồng rắn xếp hàng khi làm thủ tục hành chính, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các dịch vụ công được đồng bộ trên ứng dụng VNeID. Hoặc đơn giản như thói quen không dùng tiền mặt, quét mã thanh toán qua QR code trên điện thoại thông minh trước đây còn lạ lẫm thì giờ có thể mua cốc trà đá, gói xôi sáng chỉ cần một lần quét mã.

Kỳ vọng trong giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Bởi vậy nếu hiểu chuyển đổi số đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội là chưa hiểu rõ hết tầm quan trọng, ý nghĩa của chuyển đổi số và những giá trị mang tính đột phá.

Trên thực tế, chính cách hiểu đơn thuần này phần nào đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay còn “dò dẫm” chuyển đổi số.

Cuộc hội thảo “Hành trình chuyển đổi số - Đột phá từ doanh nghiệp nhỏ đến thành công lớn” diễn ra ngày 23.8.2024 tại TPHCM, đã đưa ra con số: Tính đến năm 2023, khoảng 47% doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau và 98% doanh nghiệp kỳ vọng rằng, chuyển đổi số sẽ mang lại những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất. Trong đó, các doanh nghiệp tại TPHCM và Hà Nội đều có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với nhiều thách thức.

Ông Phí Anh Tuấn - Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp của DXCenter - chỉ ra mối bận tâm lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam là việc tìm ra mô hình chuyển đổi số phù hợp, bởi có quá nhiều nền tảng, nhà tư vấn. Nếu lựa chọn không đúng, các doanh nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Còn theo bà Đào Thị Hồng Lê - Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam, các SME đang đối diện với nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số từ chi phí đầu tư cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguy cơ rò rỉ dữ liệu, thiếu hụt nhân lực...

“Điều đó khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp SME tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với tiềm năng và cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các cơ quan liên quan để thúc đẩy sự thay đổi này” - bà Hồng Lê cho hay.

Dấu mốc mới để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Số liệu giữa năm 2024 cho thấy, Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỉ đồng/năm. Ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500.000 lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư... Việc thực hiện thành công Đề án 06 đến thời điểm này đặt dấu mốc mới để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...