• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng bước nâng chất lượng dịch vụ 5G

Sự kiện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) khai trương mạng 5G tại trung tâm 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã mở ra cơ hội cho người dùng được trải nghiệm công nghệ tiên tiến. Mặc dù trong giai đoạn đầu cung cấp dịch vụ, song nhà mạng này đã lên kế hoạch mở rộng, bảo đảm chất lượng phục vụ.

mang-5g.jpg

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là nhà mạng đầu tiên chính thức khai trương dịch vụ 5G trên toàn quốc.

Hai công nghệ để thiết lập mạng 5G

Công nghệ 5G có 2 loại chính là SA (Stand Alone) và NSA (Non-Stand Alone); trong đó, 5G NSA là kiến trúc triển khai dựa trên mạng 4G hiện tại. Có nghĩa là, phần báo hiệu được truyền hoàn toàn dựa trên mạng 4G cũ và dữ liệu (data) chuyển cho người dùng được truyền kết hợp giữa mạng 4G và 5G cho di động. Nói một cách khác, 5G NSA là cung cấp dịch vụ 5G dựa trên mạng 4G đang có.

Với 5G SA thì báo hiệu và dữ liệu đường lên đường xuống cho thuê bao hoàn toàn độc lập với mạng 4G hiện tại. Về mặt chất lượng, nếu ở 5G NSA có độ trễ khoảng 20-30ms, thấp hơn 4G một chút, thì 5G SA độ trễ rất thấp 4-5ms.

Với các nhà mạng, nếu triển khai 5G theo kiến trúc NSA sẽ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn nhiều vì hoàn toàn có thể nâng cấp mạng lõi (core) từ 4G hiện tại lên. Nhưng nếu theo kiến trúc SA, không những cần nhiều thời gian hơn (lâu hơn 6-8 tháng) vì phải đầu tư hệ thống mạng lõi mới hoàn toàn, mà chi phí cũng lớn hơn rất nhiều (gấp 4-5 lần so với mạng 4G).

Về xu thế triển khai 5G của các nhà mạng trên thế giới, thống kê của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến hết quý I-2024 có 312/800 nhà mạng triển khai 5G. Có 95% nhà mạng lựa chọn kiến trúc NSA và chỉ có 5% nhà mạng triển khai 5G SA đồng thời. Và mặc dù thế giới đang thúc đẩy triển khai 5G, nhưng vùng phủ chưa tốt; tại nhóm nước phát triển 5G mạnh nhất Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, vùng phủ 5G cũng chỉ khoảng 52% so với 4G hiện tại. Tốc độ tải xuống của các mạng lớn ở các nước dao động 100-550Mbps, tải lên 10-45Mbps; riêng nhà mạng ở Hàn Quốc tốc độ tải xuống trung bình khoảng 550Mbps, tải lên 43-45Mbps.

Trước đó, từ cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các nhà mạng sớm đầu tư 5G và nên chọn 5G SA cho phát triển hạ tầng số, từ đó giúp thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có nhà mạng Viettel chính thức cung cấp dịch vụ 5G tại thủ phủ 63 tỉnh, thành phố, sau 6 tháng kể từ khi nhận giấy phép thiết lập và kinh doanh dịch vụ. Nguyên nhân các nhà mạng còn lại chưa khai trương 5G bắt nguồn từ thủ tục đấu thầu thiết bị của doanh nghiệp nhà nước mất nhiều thời gian. Thêm nữa, đầu tư cho 5G ngoài đấu giá tần số lên tới hàng nghìn tỷ đồng/khối băng tần, tần số, thì chi phí thiết lập hạ tầng cũng là rất lớn, trong khi phương án kinh doanh chưa thể bảo đảm có lãi…

Tiến tới phủ sóng cả thành thị và nông thôn

Sau khi mạng Viettel khai trương dịch vụ 5G tại các khu vực trung tâm, một số khu công nghiệp, khu trọng điểm (sân bay, cảng biển…), người dùng của nhà mạng này bắt đầu được trải nghiệm công nghệ 5G mới. Viettel thiết lập mạng theo 2 kiến trúc NSA và SA, thuộc tốp 5% nhà mạng thế giới triển khai đồng thời cả hai công nghệ 5G.

Tuy nhiên vẫn có không ít người dùng cho rằng chất lượng mạng 5G không như kỳ vọng, chẳng khác gì 4G, thậm chí, không ít thuê bao còn tuyên bố “quay xe” về dùng hẳn 4G…

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu Viettel Net (thuộc Tập đoàn Viettel) Hoàng Đức Thanh thông tin, ở giai đoạn hiện tại Viettel chỉ tập trung triển khai 5G ở thủ phủ các tỉnh, thành phố lớn và số trạm 5G hiện tại chưa tương đương 4G.

Tuy nhiên, việc trải nghiệm 5G của khách hàng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là, nếu trải nghiệm ở khung giờ thấp và chỉ có 1 thuê bao, tốc độ có thể đo được 300-400-500Mbps tùy vào vị trí test gần hay xa trạm thu phát sóng (BTS). Tiếp theo là phụ thuộc vào máy chủ định tuyến và thứ ba là số lượng người đang test đồng thời. “Nếu chỉ có 1 người dùng duy nhất test tốc độ 5G sẽ được dồn toàn bộ tài nguyên của trạm 5G đó cho một thuê bao duy nhất. Nhưng nếu cùng thời điểm lại có nhiều người test đồng thời, xảy ra hiện tượng có thuê bao được cấp tài nguyên nhiều hơn thuê bao khác, dẫn đến cảm giác về mặt trải nghiệm tốc độ lúc đó chỉ tương đương 4G”, ông Hoàng Đức Thanh lý giải. Thực tế trong trong vòng 10 ngày sau khi khai trương 5G, lưu lượng trên mạng 5G Viettel đã tăng 5% so với 4G; riêng khu vực thành thị, lưu lượng 5G tăng gần 15%.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết, tại thời điểm khai trương, Viettel đã lắp đặt 6.500 trạm BTS 5G và phủ sóng ngoài trời tới 90% dân số. Năm 2025, Viettel tiếp tục phủ sâu hơn khu vực thành thị, phủ sóng sâu trong nhà với định hướng khu vực trong nhà sẽ tốt như mạng 4G hiện tại; trong 5-7 năm tới triển khai rộng ra các vùng nông thôn…

Về dịch vụ, Viettel cũng công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau dành cho khách hàng cá nhân. Tất cả gói cước 5G đều được miễn phí lưu trữ đám mây (20GB) và dịch vụ xem truyền hình TV360 4K. Cùng với đó, Viettel đã cung cấp mạng 5G dùng riêng cho doanh nghiệp, tổ chức phục vụ điều hành, sản xuất. Hiện đã triển khai cho Nhà máy Pegatron ở thành phố Hải Phòng, đáp ứng các nhu cầu lắp ráp linh kiện điện tử, giám sát kiểm thử, phân loại các sản phẩm lỗi và giám sát an toàn thông qua các camera và điều khiển thiết bị chuyển hàng tự động trong nhà máy.

Với những ưu điểm trên, 5G sẽ là hạ tầng kết nối quan trọng tham gia quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...