• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường nghề mở ngành mới thu hút thí sinh

Các trường nghề tại TP HCM mở thêm những ngành học "hot" để bắt kịp xu hướng với hy vọng thu hút thí sinh học nghề.

Năm học 2025 - 2026, Trường Cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng TP HCM (quận Tân Bình) dự kiến mở thêm 3 ngành học mới: ngôn ngữ Trung, mộc xây dựng - trang trí nội thất và thiết kế thời trang.

Mở nhiều ngành theo xu thế

Trao đổi với phóng viên, TS Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho biết trường đang đào tạo 49 ngành nghề và dự kiến mở thêm 3 ngành mới, giúp tăng tỉ lệ lựa chọn cho thí sinh đăng ký nhập học. Năm 2025 - 2026, trường dự kiến tuyển sinh hơn 8.600 chỉ tiêu.

"Nhà trường đã có thời gian nghiên cứu và khảo sát thị trường lao động, nhận thấy việc mở thêm ngành mới là phù hợp với xu thế hiện nay. Đây là những ngành mà doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao" - TS Bảo khẳng định.

Không thể phủ nhận có thời điểm, ngành may mặc, thiết kế nội thất bị tuột dốc, nhường chỗ cho những ngành công nghệ. Thế nhưng, với xu thế hiện nay, thợ may, thợ mộc nếu được đào tạo bài bản sẽ trở thành những người "hái ra tiền"; được "nâng cấp" thành tên gọi mới, chuyên nghiệp hơn là nhà thiết kế thời trang, nhà thiết kế nội thất.

Nói về việc mở thêm ngành ngôn ngữ Trung, TS Bảo cho biết Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu tại châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Do đó, tiếng Trung trở thành một trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi.

Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú) cũng đã triển khai kế hoạch mở thêm các ngành học mới của Khoa Truyền thông báo chí, gồm: báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, thiết kế đồ họa, công tác xã hội.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM trong giờ học thực hành tại trường

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM trong giờ học thực hành tại trường

ThS Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn, cho biết: "Chiến lược tuyển sinh của trường trong năm 2025 là sẽ tập trung vào sự phát triển bền vững các giá trị xã hội. Việc học không đơn giản chỉ để có tấm bằng là xong. Nhà trường mong muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, đam mê lâu dài với nghề".

Theo ThS Tiến, những ngành "hot" trong năm 2025 sẽ là những ngành tuyển sinh tốt từ các năm trước, như: công nghệ ô tô, chăm sóc sắc đẹp, nhóm ngành dịch vụ, ngôn ngữ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng giải trí, nghe nhìn thì những ngành liên quan truyền thông, giải trí, cung cấp tin tức sẽ rất "nóng" trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Lâm Gia Huy, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp), thông tin trường đang lên kế hoạch mở thêm một số ngành mới thuộc khối sức khỏe, như: y sĩ, điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp.Năm học 2025 - 2026, trường vẫn giữ nguyên 30 ngành đào tạo với khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, một số ngành thế mạnh của trường như kỹ thuật và ngôn ngữ dự đoán sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh sớm.

Lo chậm trễ phương án tuyển sinh

Đề cập việc mở thêm ngành học mới, ông Lâm Gia Huy cho biết khó khăn lớn nhất chính là đáp ứng những yêu cầu, quy định về cơ sở vật chất, thiết bị thực hành. Các ngành học ở trường CĐ tập trung thực hành nhiều, trong khi việc đầu tư phòng học thực hành cần nhiều kinh phí hơn phòng học lý thuyết.

Từ năm học 2024 - 2025, tất cả các lớp THCS, THPT đều áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT để đánh giá học sinh. Kết quả học tập của học sinh trong năm học được đánh giá theo 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt; chứ không theo điểm số như trước. Trong khi đó, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn dự kiến xét tuyển học bạ với điểm trung bình các môn từ 5 trở lên.

"Những năm trước, vào thời điểm này, nhà trường đã hoàn thành đề án tuyển sinh cho năm học mới. Tuy nhiên, năm nay, chúng tôi vẫn đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất phương thức xét tuyển. Nhà trường hy vọng sẽ sớm có thông báo để việc tuyển sinh năm học mới không bị chậm trễ" - ông Huy nói.

Tương tự, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp) vẫn đang xây dựng đề án tuyển sinh, dự kiến giữa tháng 12-2024 sẽ hoàn thành. Năm học tới, nhà trường không mở thêm ngành học mới nhưng vẫn có những chỉnh sửa, thay đổi trong đề án tuyển sinh.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, những năm qua, nguồn nhân lực tốt nghiệp từ các trường nghề đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhân lực trình độ giáo dục nghề nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nhân sự của các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.

Ông Thinh đề nghị các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, giáo viên các trường truyền tải đầy đủ thông tin về vị trí việc làm, nhu cầu nhân lực của TP HCM trong giai đoạn trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở trường. 

Tuyển sinh gặp nhiều khó khăn

TS Châu Văn Bảo đã chỉ ra một số khó khăn trong tuyển sinh CĐ hiện nay, như: số lượng tuyển sinh mỗi năm một giảm, do các trường ĐH tăng chỉ tiêu, nhất là trường ĐH chuyển sang ĐH; tâm lý của học sinh và phụ huynh vẫn ưu tiên lựa chọn trường ĐH; nhiều trường ĐH "rộng cửa" lấy điểm xét tuyển trung bình 3 môn từ 15...

Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THCS muốn chuyển sang học nghề, học hệ trung cấp lại không được hoãn nghĩa vụ quân sự - theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

 


Tác giả: Bài và ảnh: Huế Xuân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...