Thắp hy vọng nơi gian khó
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu thương, tâm huyết các cô vẫn chọn gắn bó với sự nghiệp “trồng người”...
Cô Hạnh dạy trẻ mẫu giáo ở điểm trường thôn 3B. |
Công tác ở nơi không điện, không sóng điện thoại, không đường đi, nhưng bằng niềm tin và trách nhiệm, các cô giáo Trường Mẫu giáo Trà Giác (Bắc Trà My, Quảng Nam) đã cố gắng bám trường, lớp, duy trì sự học.
Vượt gian nan vì trò
Những ngày cuối tháng 9, trong chuyến công tác lên các thôn miền núi của xã Trà Giác (Bắc Trà My, Quảng Nam), chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường 3B, 3C và 2B của Trường Mẫu giáo Trà Giác. Đây là ngôi trường được xếp vào nhóm khó khăn nhất của huyện Bắc Trà My.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là điểm trường thôn 2B. Từ thị trấn Bắc Trà My, đoàn chạy theo Quốc lộ 40B khoảng 40km, men theo đoạn đường đất đỏ. Tuy chỉ dài 15km nhưng đoàn phải “đánh vật” hơn 1 giờ đồng hồ với những khúc quanh co, dốc cao, đá lởm chởm, 7 khe suối lớn nhỏ.
Dù được thông tin trước, nhưng không ai nghĩ quãng đường từ thị trấn Bắc Trà My vào thôn 2B lại khó đi đến vậy. Chỉ một cơn mưa nhỏ đã biến con đường đất đỏ thành sình lầy, trơn trượt. Vào mùa mưa cách duy nhất để giáo viên đến trường là đi bộ khoảng 3 giờ đồng hồ.
Chật vật vượt qua quãng đường dài 15km, hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi trường nhỏ nằm cạnh những ngôi nhà của người Ca Dong. Khó có thể kể hết những vất vả của giáo viên và học sinh nơi đây. Từ điều kiện học tập, cơ sở vật chất phục vụ dạy học đều thiếu thốn, việc đi lại của các em cũng trắc trở…
Cũng bởi vậy, điểm trường 2B thường được các thầy cô gọi là điểm trường “3 không”: Không điện, không sóng điện thoại và không có đường giao thông. Thế nhưng, bằng niềm tin, trách nhiệm của người đứng trên bục giảng, các cô đã cố gắng bám trường, lớp, miệt mài dạy học cho 15 trẻ mầm non người Ca Dong.
Cô Bùi Thị Thịnh (sinh năm 1995, trú tại Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: “Lần đầu đến đây, tôi đã khóc suốt chặng đường đi vì e ngại trước khó khăn của ngôi trường mình sắp gắn bó. Nhưng không ngờ, đây lại là khởi đầu cho một kỷ niệm đáng nhớ trong đời dạy học của tôi”.
Cô Thịnh tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non và Tiểu học (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Năm 2018, cô về dạy tại Trường Mẫu giáo Trà Giác. 6 năm gắn bó đã để lại cho cô giáo trẻ vô vàn kỷ niệm khó quên.
Những ngày đầu lên núi dạy học, nỗi nhớ nhà và không gian tĩnh mịch của núi rừng khi đêm đến, không sóng điện thoại, không điện thắp sáng đã bao trùm nỗi sợ hãi lên cô Thịnh. Thế nhưng điều đó không khiến cô giáo trẻ nao núng, hay xuất hiện ý nghĩ bỏ trường, lớp. Chỉ sau 3 tuần, cô quen với cuộc sống tại trường như bao học sinh, phụ huynh trong thôn.
“Cuộc sống khó khăn, công việc bận rộn nhưng mỗi khi lên lớp, chúng tôi được tiếp thêm tinh thần lạc quan, yêu đời. Trẻ nơi đây ngoan ngoãn, sẵn sàng tiếp thu kiến thức. Dù chỉ là điều đơn sơ, bình dị nhưng cũng trở thành nguồn động lực để tôi và đồng nghiệp thêm nhiệt huyết, gắn bó với công việc”, cô Thịnh tâm sự.
Đúng như lời cô Thịnh, đời sống người dân cũng như trẻ em nơi đây thiếu thốn rất nhiều, vì vậy dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình thương của giáo viên với trẻ. Chỉ có đi thực tế tới điểm trường mới thấy sự nỗ lực, cống hiến yêu trò của giáo viên vùng cao Bắc Trà My. Và chỉ có tình yêu nghề, yêu người mới giúp các cô vượt lên gian khổ để thầm lặng “ươm mầm gieo hạt”.
“Đôi lúc nhớ con, gia đình, tôi định bỏ về. Nhưng trẻ ở đây chăm ngoan, nhìn các em như vậy khiến tôi tâm niệm, nếu ai cũng sợ thiếu thốn, khó khăn mà chùn bước thì những đứa trẻ sẽ đi đâu, về đâu?”, cô Bùi Thị Thịnh tâm sự.
Ngược về thị trấn Bắc Trà My, cách điểm trường chính khoảng 35km, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đất đỏ, lên xuống khúc khuỷu dẫn tới điểm trường thôn 3B của Trường Mẫu giáo Trà Giác, một điểm trường “2 không” là không sóng điện thoại, không đường đi.
Ngày chúng tôi đến trường, trời miền núi Bắc Trà My đổ cơn mưa rừng xối xả, đường đi gian nan vô cùng, nhóm phải cầu cứu một người dân địa phương để dẫn vào điểm trường 3B.
Từ trước cổng đã nghe thấy tiếng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (sinh năm 1972) đứng lớp tại điểm trường 3B bắt nhịp đọc bài thơ “Yêu mẹ” cho 9 trẻ mầm non.
Trước đây, cô Hạnh dạy ở điểm trường chính, đến năm học 2022 - 2023, cô viết đơn xin lên điểm trường thôn 3B để dạy học. “Khi gia đình biết tôi viết đơn lên điểm trường 3B dạy học, ai cũng e ngại, phản đối. Nhưng với tôi, 30 năm gắn bó ở miền núi, những khó khăn trước mặt không thể cản bước chân. Trong mỗi giáo viên cắm bản đều có một trái tim yêu trẻ, yêu nghề”, cô Hạnh chia sẻ.
Cách điểm trường 3B khoảng 10km là điểm Trường Mẫu giáo Trà Giác thôn 3C, nơi đây là điểm cuối của xã Trà Giác. Đường đến trường cũng gian nan không kém 2 điểm trường trên, đặc biệt giáo viên ở đây còn phải vượt “con dốc 7.000”. Bởi, theo quan niệm người dân phải uống 7 nghìn đồng tiền rượu mới có đủ dũng cảm đi qua con dốc này.
“Để đến trường, trao tình thương cho trẻ mầm non, chúng tôi phải vượt qua tất cả khó khăn, nỗi sợ hãi và cả nguy hiểm trong suốt quá trình đi dạy”, cô Bùi Thị Hương Giang (sinh năm 1991) - giáo viên điểm trường 3C cho hay.
Theo cô Giang, dân cư ở nơi này chủ yếu là đồng bào dân tộc, tầm quan trọng của việc học cho các em chưa được quan tâm. Cũng bởi vậy, ngoài giờ dạy, các thầy cô phải đến tận nhà để động viên phụ huynh cho con em đến trường. Các cô giáo còn tự bỏ tiền túi ra để mua sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi và bánh kẹo phát để “dụ” các em hăng hái lên lớp.
Cô Trịnh Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác cho biết, trường thuộc vùng khó của huyện Bắc Trà My, năm học 2024 - 2025, trường có 9 lớp tại 7 điểm trường với 193 trẻ từ 3 - 5 tuổi, 100% trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số 7 điểm trường thì có 1 điểm chính, 6 điểm lẻ, trong đó 3 điểm lẻ ở rất xa, không sóng điện thoại, không đường giao thông và đặc biệt còn 1 điểm trường thôn 2B chưa có điện thắp sáng vì vậy rất khó khăn, vất vả cho cả cô, trò và nhà trường.
Chia sẻ về đồng nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My nhìn nhận, hiện việc dạy và học của cô và trò ở các điểm lẻ còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có đường giao thông, việc đi lại vất vả, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Nhưng bằng sự tâm huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo đã không quản ngại vất vả, thiếu thốn, tình nguyện ở lại nơi bản nghèo heo hút để mang cái chữ đến cho trò.
“Đây là trách nhiệm của thầy cô với ngành và đặc biệt học trò vùng khó. Mỗi thầy cô đã góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp của ngành Giáo dục Quảng Nam, đó là sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi, không ngại gian khó, quyết tâm bám trường vì học sinh thân yêu”, ông Nguyễn Thanh Tú nói.
Chúng tôi quay trở lại thị trấn Bắc Trà My khi cô và trò đang miệt mài trong giờ học, tiếng trẻ ê a học bài thơ vang cả một góc rừng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu thương, tâm huyết các cô vẫn chọn gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.
“Những lúc chăm sóc học trò, tôi thấy mình giống như được chăm chút những đứa con của mình. Đôi khi tôi cũng chạnh lòng, vì con tôi chỉ mới học lớp 1, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, nhưng biết làm sao khi tôi đã yêu và chọn nghề giáo. Nhớ con, nhớ gia đình, bản thân chỉ biết tranh thủ lúc rảnh rỗi xem ảnh cho đỡ nhớ con rồi quay lại tập trung vào công việc, lớp học với tất cả tâm huyết, tình yêu thương học trò”, cô Bùi Thị Thịnh - giáo viên điểm trường 2B trải lòng.