Tuyển dụng giảng viên: Thảm đỏ cũng… khó mời
Hiện có nhiều rào cản khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài...
Ông Tobita Minoru và vợ về Nhật Bản sau 20 năm công tác tại Việt Nam. Ảnh: LHU |
Thời gian gần đây, nhiều trường cao đẳng, đại học không chỉ thu hút nhân tài người Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về làm việc mà còn tuyển dụng giảng viên người nước ngoài. Tuy nhiên, hiện có nhiều rào cản khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài để phục vụ công tác giảng dạy.
Trải thảm đỏ
Năm 2003, ông Tobita Minoru đến Đồng Nai với vai trò chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chuyên giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng. Ban đầu ông dự kiến đến Đồng Nai trong khoảng 5 năm, nhưng rồi kéo dài đến gần 20 năm với rất nhiều kỷ niệm đặc biệt về đất nước và con người Việt Nam mà theo ông không phải ở đâu cũng có.
“Không có nơi đâu trên thế giới con người lại gần gũi và thân thiện như ở Việt Nam. Đây là lý do tôi đến và gắn bó lâu dài đến như vậy. Ngay cả vợ tôi - Kazuko Tobita khi lần đầu tiên sang thăm tôi tại Việt Nam cũng bị mê hoặc bởi sự yên bình, năng động và tình cảm chân thành của sinh viên”, ông Tobita Minoru chia sẻ.
Xu hướng tuyển dụng giảng viên người nước ngoài không mới. Nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua liên tục “trải thảm” để đón nguồn nhân lực quốc tế đến tham gia công tác giảng dạy, đào tạo.
TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho hay, sự hiện diện của giảng viên nước ngoài sẽ giúp quốc tế hóa môi trường học thuật, đồng thời tạo không gian học tập đa văn hóa, giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn quốc tế, nâng cao khả năng giao tiếp và hội nhập.
“Trường Đại học Văn Lang có tổng cộng 153 giảng viên và nghiên cứu viên nước ngoài ở tất cả khối ngành xã hội nhân văn, ngôn ngữ, kỹ thuật công nghệ, sức khỏe, quản trị - quản lý, nghệ thuật…”, ông Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài ở các trường vẫn gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại trường gặp không ít khó khăn, chủ yếu từ các quy định về quản lý và chế độ đãi ngộ.
Theo ông Quỳnh, các bất cập phổ biến bao gồm: Để tuyển dụng và giữ chân giảng viên nước ngoài, các trường phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý khắt khe, từ giấy phép lao động, thủ tục visa đến các yêu cầu bảo hiểm. Điều này đòi hỏi thời gian và chi phí đáng kể, đồng thời gặp khó khăn nếu quy định thay đổi hoặc khi xử lý các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, để thu hút giảng viên nước ngoài chất lượng cao, mức lương và chế độ phúc lợi cần đầu tư lớn.
“Dù chúng tôi đang từng bước hướng đến môi trường học tập đa ngôn ngữ, nhưng khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ vẫn là thách thức trong giao tiếp và quản lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hòa nhập của giảng viên nước ngoài cũng như hiệu quả giảng dạy. Đặc biệt, các dịch vụ hỗ trợ cho giảng viên nước ngoài như nhà ở, bảo hiểm y tế và tư vấn pháp lý… là điều cần thiết, nhưng đôi khi không dễ dàng đáp ứng đầy đủ vì thủ tục hành chính và quy trình giải quyết các quyền lợi còn phức tạp”, ông Quỳnh dẫn chứng.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) cho hay, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại HUIT gặp một số khó khăn, nhất là trong bối cảnh chính sách và quy định liên quan đến lao động nước ngoài còn khá nghiêm ngặt.
Trong đó, quy trình pháp lý rất phức tạp, để tuyển dụng giảng viên nước ngoài, trường cần tuân thủ nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính, như giấy phép lao động, giấy tạm trú và các quy định pháp lý khác. Những yêu cầu này đôi khi kéo dài và làm chậm quá trình tuyển dụng.
“Hiện, chế độ đãi ngộ, mức lương và phúc lợi cho giảng viên nước ngoài thường phải cạnh tranh với các trường quốc tế hoặc trường đại học tư nhân khác. Bởi, mức đãi ngộ tại các trường công lập thường bị giới hạn bởi quy định của Nhà nước, khó đáp ứng đủ nhu cầu của giảng viên nước ngoài.
Chưa kể là khó khăn trong quản lý, việc giảng viên nước ngoài cần phải có người bảo lãnh về mặt pháp lý, đặc biệt khi có các vấn đề phát sinh về visa hoặc giấy phép lao động, cũng tạo ra thách thức cho bộ phận nhân sự và quản lý của nhà trường”, ông Sơn nhận định.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế nâng cao chất lượng, ông Sơn đề xuất các trường đại học cần được tự chủ trong việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài. Sau khi có kết quả tuyển dụng, các trường báo cáo cho cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. “Các thủ tục nên theo hướng tạo điều kiện và rút ngắn thời gian hơn”, ông Sơn nói.
Dù còn gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài nhưng thời gian qua, Trường Đại học Lạc Hồng đang nỗ lực để tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên nước ngoài bằng việc cải tiến quy trình và tăng cường các chính sách hỗ trợ.
“Hằng năm, nhà trường thu hút hàng chục giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy tại trường, chủ yếu giảng dạy ở các ngành như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản Học và Hàn Quốc Học… Có những giảng viên bản ngữ gắn bó với nhà trường gần 20 năm nay”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, tuy nhiên, việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của giảng viên trong quá trình làm hồ sơ mất nhiều thời gian.
“Các quy định, thủ tục về cấp giấy phép lao động, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt hơn để các trường dễ dàng, thuận lợi hơn khi tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài. Nên giao quyền tự chủ, tự quyết định cho trường đại học còn cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm”, đại diện một trường đại học ngoài công lập tại TPHCM bày tỏ.
Hiện nhiều trường đại học tại phía Nam thu hút nhiều giảng viên người nước ngoài. Chẳng hạn, Đại học Kinh tế TPHCM có gần 20 giảng viên cơ hữu và hơn 100 giảng viên thỉnh giảng người nước ngoài. Các trường khác như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Công Thương TPHCM... cũng là nơi làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian của nhiều giảng viên đến từ các châu Âu, Á, Mỹ.